Bình Định 'trình làng' cụm linh vật rắn thần Naga 5 đầu
Chiều tối 21-1, tại Quảng trường biển Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định), tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành cụm linh vật Ất Tỵ 2025.
Tham dự lễ khánh thành có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, cùng các cán bộ, lãnh đạo và đông đảo người dân, du khách tại TP Quy Nhơn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định giới thiệu, cụm linh vật Ất Tỵ 2025 Bình Định năm nay lấy ý tưởng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Cụm linh vật lấy hình tượng tháp Chăm cổ Dương Long và tượng rắn Naga làm chủ đạo, trong đó, tháp cổ có chiều cao 7,5m, linh vật rắn thần 5 đầu cao 5m, xung quanh bài trí nhiều hiện vật, không gian độc đáo mang bản sắc văn hóa Bình Định và Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Theo ông Lợi, trong tiếng Phạn, Naga nghĩa là rắn hổ mang lớn. Rắn Naga là con vật thần thoại, thường được thể hiện với hình thể độc đáo: nhiều đầu (thường là 5, 7 hoặc 9 đầu) và chiếc mang phình ra rất to, che phủ nhiều đầu.
“Theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc”, ông Lợi cho biết.
Ngoài ra, theo thần thoại trong văn hóa Chămpa, rắn thần Naga có nhiệm vụ canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp. Trong nghệ thuật kiến trúc Chăm ở Việt Nam, hình tượng rắn Naga được thể hiện nhiều nhất tại tháp Dương Long, có niên đại cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13.
Tại tháp cổ Dương Long, rắn Naga được dùng trang trí hệ thống chân đế, vòm cửa và trên bộ mái của tháp.
Hình tượng rắn Naga tại tháp Dương Long là sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, tạo nên nét độc đáo về tạo hình.
Đặc biệt, theo đánh giá của giới chuyên gia, tượng rắn thần Naga được tìm thấy ở tháp Dương Long có tính thẩm mỹ cao về nghệ thuật tạo hình, được xem là đạt đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc Chămpa.
Đáng chú ý, cụm linh vật Ất Tỵ 2025 Bình Định bài trí nhiều tiểu cảnh thú vị, lồng ghép thêm nhiều sản phẩm đặc trưng vùng biển tỉnh, như: sim La Vuông, bưởi Hoài Ân, trống K’Toang Vân Canh… và nhiều sản phẩm, đặc sản tỉnh như nón ngựa Phú Gia, nấm keo Phù Mỹ, dừa Tam Quan,…
Trong cụm linh vật, đơn vị thực hiện bài trí thêm vườn hoa với hơn 40.000 chậu hoa, hơn 30 chủng loại hoa đa dạng về màu sắc.
>>>Xem thêm hình ảnh về cụm linh vật Ất Tỵ Bình Định: