Bình Dương công bố thành lập thành phố Tân Uyên
Đây là thành phố thứ tư của tỉnh sau các thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An.
Sáng 12/4, đã diễn ra lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích 191,76 km2, dân số 466.053 người. Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 10 phường.
Theo báo cáo của UBND thành phố Tân Uyên trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp dẫn đầu. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng lần lượt là 64,17% - 34,6% và 1,23%.
Về công nghiệp, thành phố có 5 khu, cụm công nghiệp, thu hút 1.866 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 5,2 tỷ USD.
Đặc biệt, Tân Uyên có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước, trong đó khu công nghiệp VSIP III có quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến 6.407 tỷ đồng.
Tại khu công nghiệp VSIP III, đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Lego đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em trị giá 1,3 tỷ USD. Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đầu tư nhà máy sản xuất đồ trang sức trị giá 163 triệu USD.
Tại buổi lễ công bố, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, thành phố cần ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao…
Trước mắt, Tân Uyên cần ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập; xác định rõ diện tích đất trồng lúa, diện tích đất được chuyển đổi sang mục đích khác; bố trí quỹ đất, đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn cho nhà ở xã hội.