Bình Dương linh hoạt ứng phó đại dịch Covid-19 – Kỳ cuối

Kỳ cuối: Chủ động mọi tình huống chống dịch trong 'bình thường mới'

Các chiến thuật linh hoạt và những giải pháp quyết liệt đã giúp Bình Dương khống chế thành công dịch bệnh Covid-19. Qua cơn “bạo bệnh”, trở về trạng thái “bình thường mới”, với những bài học kinh nghiệm chống dịch quý giá có được, trong tâm thế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, Bình Dương không còn lúng túng, bị động trong các tình huống chống dịch.

Người lao động trong Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát trở lại sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh

Kết quả của sự đồng tâm, hiệp lực

Trải qua hơn 3 tháng kiên cường chống dịch, Bình Dương đã khống chế, kiểm soát thành công dịch bệnh. Thành công này là kết quả của việc cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh “cao hơn”, “sớm hơn” một bước so với thực tế cùng sự giúp sức, chi viện của các đơn vị, địa phương bạn. Tính trong đợt dịch bệnh thứ 4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 228.000 ca mắc. Qua biểu đồ số liệu dịch bệnh cho thấy hiện mỗi ngày tỉnh ghi nhận trung bình khoảng 500 ca nhiễm mới, giảm khoảng 5 lần so với thời điểm đỉnh dịch (tháng 8, 9) khi mỗi ngày ghi nhận khoảng 4.000 ca, có ngày lên tới 6.000 ca (ngày 30-8). Thống kê chi tiết ca nhiễm trong 30 ngày thì tháng 8 toàn tỉnh ghi nhận hơn 114.000 ca, tháng 9 hơn 96.000 ca nhưng đến tháng 10 (24 ngày) con số này giảm sâu xuống còn khoảng 17.000 ca nhiễm mới, tức là giảm 5,6 - 6,7 lần so với tháng 9, tháng 8. Hiện nay hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở khu phong tỏa, khu cách ly (chiếm khoảng 80 - 90% tổng số ca nhiễm trong ngày). Tỷ lệ ca nhiễm mới phát hiện qua sàng lọc cộng đồng rất thấp, trung bình khoảng 146 ca/ tuần/100.000 dân.

Đặc biệt, thành công lớn của tỉnh là tiến hành tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân. Từ tỉnh có tốc độ tiêm vắc xin khá chậm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, đến nay toàn tỉnh đã tiêm phủ hơn 3,6 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 2,3 triệu người tiêm mũi 1 đạt 97% dân số trên 18 tuổi và hơn 1,2 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin, đạt 54%.

Trong khi số ca nhiễm giảm sâu, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng trên đà giảm mạnh, số bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn số ca mắc mới và nhập viện. Điển hình như trong tháng 9, tổng số bệnh nhân xuất viện là hơn 124.000 người, cao hơn 1,2 lần tổng số ca nhiễm và 1,5 lần tổng số ca nhập viện (82.000 người nhập viện trong tháng 9). Tính trong đợt dịch, toàn tỉnh có hơn 2.300 bệnh nhân tử vong do Covid-19, trong đó tháng 8 là hơn 970 người, tháng 9 hơn 1.000 người nhưng đến tháng 10 giảm còn hơn 300 người. Vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân tử vong được ghi nhận từ 20 - 40 người/ngày, nhưng hiện nay trung bình khoảng 10 người/ ngày. Riêng ngày 23-10 ghi nhận 7 bệnh nhân tử vong. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 226.000 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, chiếm tỷ lệ 99% tổng số ca nhiễm trong toàn đợt dịch.

Đặc biệt, thành công lớn của tỉnh là tiến hành tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân. Từ tỉnh có tốc độ tiêm vắc xin khá chậm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, đến nay toàn tỉnh đã tiêm phủ hơn 3,6 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 2,3 triệu người tiêm mũi 1 đạt 97% dân số trên 18 tuổi và hơn 1,2 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin, đạt 54%. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu hồi sức Bình Dương, cho biết: “Thực tế trong quá trình tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 chưa có bệnh nhân nào tiêm đủ 2 mũi vắc xin phải nhập viện tầng 3 cấp cứu hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân nặng (ICU). Vắc xin sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng và giảm bệnh Covid-19 tăng nặng. Để “bóc tách” 100% F0 ra khỏi cộng đồng, đạt “zero Covid” là một điều rất khó khăn vì với những nước phát triển có tỷ lệ tiêm phủ vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta không thể sống mãi trong phong tỏa. Người dân cần nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội, vượt qua ám ảnh về mục tiêu không Covid nhưng thận trọng, từng bước, sống chung với dịch và chuẩn bị cho Covid trở thành những loại bệnh thông thường khác như bệnh cúm mùa hoặc thủy đậu”.

Chủ động trong “bình thường mới”

Ngày 11-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Sự ra đời của nghị quyết được dư luận đánh giá cao, giúp chính sách chống dịch thống nhất trong toàn quốc và phá vỡ tư duy “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội khi tiến hành các biện pháp chống dịch ở các địa phương. Trên cơ sở Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế “Hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128”, Bình Dương tiến hành đánh giá, xác định toàn tỉnh thuộc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). Ngay sau đó, 5 giải pháp thích ứng an toàn cũng được tỉnh quy định tạo điều kiện tối đa để phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, “bình thường mới” không phải là điều gì đó cao xa mà là những điều kiện để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là cách làm hợp lý khi đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Trong tâm thế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, Bình Dương sẽ không còn lúng túng, bị động nếu chẳng may trở thành tâm dịch thêm lần nữa.

Trong điều kiện thích ứng an toàn hướng tới “bình thường mới”, nhịp sống sôi động của người dân đã trở lại. Tại các khu, cụm công nghiệp, những chiếc xe tải, xe container nối đuôi nhau luân chuyển hàng hóa từ các kho, bãi. Ánh điện luôn sáng rực trong các nhà máy, phân xưởng nơi có hàng ngàn công nhân nghiêm túc thực hiện “5K” và không quên quét mã QR trước khi vào ca. Việc làm này đã trở thành thói quen không thể thiếu của công nhân, người dân trên địa bàn tỉnh, bởi họ hiểu rằng dịch bệnh không trừ bất kỳ ai. Vũ khí mạnh nhất để phòng, chống dịch bệnh là ý thức người dân trong thực hiện “5K”, quét mã QR để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Điển hình như Ban Giám đốc Công ty Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An) thông báo trước toàn thể công ty quyết tâm phục hồi sản xuất, lấy sản xuất an toàn và y tế làm trung tâm, phát huy vai trò then chốt của trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời khi phát hiện ca dương tính ở các phân xưởng sản xuất.

Nói về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết tỉnh đang tập trung nâng cấp các cơ sở y tế, chuyển đổi công năng trở thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19, kết hợp với các trạm y tế lưu động, hình thành các tổ y tế với đầy đủ lực lượng y, bác sĩ, trang thiết bị y tế chuyên dụng để chăm sóc, điều trị F0 ngay tại tuyến cơ sở. Ngay trong tháng 10, tất cả các huyện, thị, thành phố đều thành lập chuyên khoa điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị bệnh truyền nhiễm, tách biệt khỏi khu điều trị thông thường. Tổng Công ty Becamex IDC cũng thành lập các bệnh viện mini trong khu công nghiệp để sẵn sàng dập các ổ dịch bùng phát nhỏ lẻ. Thời gian tới, ngoài chủ trương phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và thành phố thông minh, tỉnh sẽ triển khai, xây dựng Bình Dương thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả khu vực, cùng với các công trình nghiên cứu chuyên khoa mang tầm cỡ khu vực.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/binh-duong-linh-hoat-ung-pho-dai-dich-covid-19-ky-cuoi-a258540.html