Bình Dương: Nhiều 'điểm nghẽn' trong chuyển đổi số

Cơ chế pháp lý, nền tảng hạ tầng và nguồn nhân lực đang là những 'điểm nghẽn' lớn cản bước tiến trong công tác chuyển đổi số tại Bình Dương trong thời gian qua…

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số tại Bình Dương. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Bình Dương)

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số tại Bình Dương. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Bình Dương)

Trong thời đại công nghệ số hóa hiện nay, chuyển đổi số được coi là yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu suất và tiện ích của các dịch vụ công. Từ việc cung cấp dịch vụ trực tuyến cho đến quản lý dữ liệu và tự động hóa quy trình…

Hơn nữa, chuyển đổi số cũng giúp cho tăng cường sự minh bạch của quy trình, tạo điều kiện dễ dàng trong kiểm tra và giám sát, tăng cường hiệu quả, giảm thời gian cho các thủ tục hành chính, và quan trọng nhất là phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều ý nghĩa và thiết thực là thến nhưng quá trình triển khai, thực hiện không hề đơn giản và dễ dàng.

Tại Bình Dương, công tác chuyển đổi số luôn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, chú trọng đẩy mạnh. Từ đó, Chỉ số chuyển đổi số năm 2023 (Chỉ số DTI) của Bình Dương tăng 12 bậc so với năm 2022, vào Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương cũng đang đối mặt với những khó khăn, vướng mắc, tập trung chủ yếu trong cơ chế, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, còn nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn chuyển đổi số, gây vướng mắc trong ứng dụng công nghệ mới như AI, Blockchain, dữ liệu lớn. Chưa có pháp lý quy định về thành lập khu công viên khoa học công nghệ tỉnh dự kiến triển khai. Khu Công nghệ thông tin tập trung đang thành lập dựa trên Nghị định rất cũ trong khi các pháp luật liên quan đã thay đổi điều chỉnh dẫn đến không đồng bộ gây khó và mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện. Chưa ban hành kịp chính sách để thu hút, ưu đãi đối với nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số…

Hiện còn thiếu các nền tảng và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số, nền tảng kết nối và dịch vụ tư vấn… dành riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương khiến cho những doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chưa có lộ trình triển khai ứng dụng, dữ liệu và phân vai rõ giữa địa phương và Bộ, ngành dẫn đến chồng lấn, không tái sử dụng dữ liệu để khai thác…

Chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho mối liên kết giữa nhà nước - trường đại học, viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong việc hợp tác nghiên cứu phát triển, phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Đáng quan tâm hơn, các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương không chấp nhận bản sao điện tử, vì thế người dân vẫn phải thực hiện chứng thực bản giấy để nộp khi có yêu cầu, từ đó bắt buộc bộ phận thực hiện chứng thực phải vừa chứng thực bản giấy, vừa chứng thực điện tử làm phát sinh nhiều công việc, chưa đúng mục đích yêu cầu của công tác chuyển đổi số.

Đối với việc đầu tư cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chưa có hướng dẫn cụ thể nên một số địa phương (trong đó có tỉnh Bình Dương) rất lúng túng khi quản lý, vận hành Quỹ Phát triển khoa học công nghệ dẫn đến địa phương chưa dám mạnh dạn triển khai.

Trong khi đó, thủ tục đầu tư, mua sắm công nghệ, quy trình thực hiện cũng khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn và mức am hiểu nhất định, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án chuyển đổi số kịp thời

Bình Dương cũng cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn cản bước tiến trong phát triển chuyển đổi số đó là guồn nhân lực phục vụ trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Trước thực trạng này, nếu các “điểm nghẽn” về số hóa được tháo gỡ thì Bình Dương cũng như nhiều tỉnh thành khác sẽ chủ động hơn trong xây dựng nền tảng chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn.

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-duong-nhieu-diem-nghen-trong-chuyen-doi-so-397756.html