Bình Dương nói gì về dự án cảng sông 2.300 tỉ đồng?
Dự án đã được công bố trên trang hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cổng thông tin điện tử Bình Dương.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, dự án Cảng sông An Tây tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên.
Dự án đã được công bố trên trang hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cổng thông tin điện tử Bình Dương.
Tuy nhiên, dù đã thông báo lựa chọn nhà thầu tới 2 lần nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào quan tâm. "Để tăng tính hấp dẫn và khả thi của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Becamex IDC xem xét, nghiên cứu tham mưu mở rộng quy mô dự án để đảm bảo cả diện tích bố trí tái định cư cho người dân"- ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương nói.
Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, đây là dự án cảng sông có quy mô rất lớn, nên đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hiện mới chỉ có Becamex IDC đang là nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất tới dự án.
Dự án cảng sông An Tây với quy mô 100 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.279 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 453 tỉ đồng.
Cảng có công suất thiết kế đạt 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu đến 3.000 tấn. Đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế , xã hội của tỉnh Bình Dương.
Khi xây dựng Cảng sông An Tây, Bình Dương đặt mục tiêu hình thành chuỗi dịch vụ logistics để đưa hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên về cảng Cát Lái (TP.HCM) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tránh được kẹt xe trên các tuyến đường bộ.
Dự án gồm các hạng mục: Văn phòng; kho bãi; hạ tầng kỹ thuật; bến cảng; đường giao thông; kênh thoát nước. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm; đội tàu có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn.
Lợi thế vị trí của Cảng sông An Tây kết nối hầu hết các khu công nghiệp, tránh được kẹt xe khu vực kết nối với TP HCM, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép. Đồng thời, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí Logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc đầu tư cảng sông An Tây sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương cũng như thị xã Bến Cát thông qua các khoản nộp ngân sách, các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản lệ phí khác hàng năm của dự án, đặc biệt là phí hải quan nhập khẩu.
Mặt khác, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỉ trọng ngành dịch vụ, sản xuất xây dựng, thương mại - dịch vụ nhằm thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, chuyến dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ - thương mại, nâng cao chất lượng lao động...