Bình Dương sản xuất điện từ rác thế nào?

Hiện vùng Đông Nam Bộ có duy nhất Dự án Xử lý rác sinh hoạt phát điện hoạt động tại tỉnh Bình Dương. Đây là nguồn điện sinh khối được Nhà nước khuyến khích nhưng nhiều địa phương chưa làm được.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: H.Lộc

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: H.Lộc

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Bình Dương vì tỉnh đang có quy hoạch 4-5 dự án đốt rác phát điện.

Tự làm lò đốt rác phát điện

Tỉnh Bình Dương có lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày khoảng 2,5 ngàn tấn. Toàn bộ rác được đưa về điểm duy nhất là Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tại thành phố Bến Cát có diện tích 100 hécta. Khu có tổng công suất thiết kế xử lý các loại chất thải hơn 6,6 ngàn tấn/ngày. Trong đó, hạng mục rác sinh hoạt có công suất thiết kế xử lý 3,5 ngàn tấn/ngày và công suất tiếp nhận thực tế khoảng 2,4 ngàn tấn/ngày.

Nếu so với Bình Dương, Đồng Nai quy hoạch quỹ đất cho các khu xử lý chất thải gấp hơn 4 lần, đã có 9 khu xử lý được triển khai, nhưng công suất thiết kế chưa bằng, hoạt động xử lý rác sinh hoạt thời gian qua có lúc bị quá tải.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương (Biwase), chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, cho biết trước đây Bình Dương có quy hoạch vài khu xử lý nhưng thời điểm hiện tại, toàn bộ rác thải đều được đưa về đây. Cũng theo ông Thiền, khu mới sử dụng khoảng 60% diện tích. Sở dĩ với quỹ đất và khối lượng rác như trên nhưng khu đảm bảo khả năng tiếp nhận, xử lý đạt và vượt các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường vì được đầu tư công nghệ đồng bộ, hiện đại.

Chỉ tính riêng xử lý rác sinh hoạt, công ty đầu tư 4 nhà máy phân loại rác làm phân compost. Nước rỉ rác được xử lý bằng công nghệ RO, đạt loại A theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp. Công ty đầu tư 8 lò đốt chất thải, trong đó có một lò đốt rác phát điện công suất 200 tấn/ngày và công suất phát điện 5MW, hiện có thể đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện cho hoạt động của khu xử lý.

Giám đốc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương Phạm Thanh Hùng cho biết, điểm đặc biệt của lò đốt rác phát điện duy nhất tại đây là 100% do chuyên gia, kỹ sư của Biwase nghiên cứu, thiết kế, vận hành với quy trình khép kín từ phân loại, đốt thu hồi nhiệt phát điện, làm gạch từ tro sỉ. Do đó, khả năng tiếp tục sản xuất các lò đốt rác phát điện phục vụ khu xử lý và “xuất khẩu” hoàn toàn có thể.

Theo kế hoạch, thời gian tới khu sẽ đầu tư lò đốt rác sinh hoạt phát điện 500 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW. Một phần năng lượng được giữ lại phục vụ hoạt động của nhà máy, một phần đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Khi đó, tỷ lệ chôn lấp chất thải trơ của khu sẽ về 0%.

Đồng Nai quy hoạch 4-5 dự án điện rác

Đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở khu xử lý chất thải trên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn đánh giá cao sự nỗ lực và cách làm của doanh nghiệp. Theo ông Toàn, tỉnh Bình Dương có một khu xử lý nhưng đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải cho tỉnh ở hiện tại và có phương án tăng công suất trong thời gian tới. Khu xử lý tái chế được nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội và môi trường như: điện tái tạo, phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng…

Cùng đến thăm, làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương ngày 7-6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, với lượng rác sinh hoạt nhiều nhưng chỉ cần một khu xử lý là quá tốt. Không những thế, doanh nghiệp còn làm ra 16 loại phân bón, hàng chục loại gạch và bê tông từ rác sinh hoạt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các sở, ngành, công ty môi trường ở Đồng Nai sẽ học hỏi được kinh nghiệm quản lý, vận hành, xử lý rác sinh hoạt, nước thải; đồng thời, mong muốn Biwase chia sẻ kinh nghiệm, có sự phối hợp và đồng hành với các doanh nghiệp môi trường của Đồng Nai trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhất là tham gia xử lý rác sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị.

Lò đốt rác phát điện do Công ty CP Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương tự nghiên cứu, chế tạo.

Lò đốt rác phát điện do Công ty CP Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương tự nghiên cứu, chế tạo.

Theo Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh ban hành cuối năm 2023, tới đây 4 khu xử lý chất thải hiện hữu sẽ thực hiện chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện, đồng thời phải bổ sung công nghệ để xử lý rác trơ, tro xỉ và tro bay thành các sản phẩm tái chế. Đó là các khu xử lý: Quang Trung (huyện Thống Nhất), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Túc Trưng (huyện Định Quán).

Bên cạnh đó, tháng 9-2022, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng công suất xử lý rác 1,2 ngàn tấn/ngày, công suất phát điện đạt 30 MW. Như vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 4-5 dự án đốt rác thu hồi điện, nhiệt.

Xử lý rác sinh hoạt phát điện sinh khối là lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng làm chủ công nghệ có hạn, quy định đấu thầu xử lý rác hàng năm là rủi ro nên chưa nhiều nhà đầu tư mạnh dạn, chưa nhiều địa phương có dự án. Việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương, doanh nghiệp như thế này có thể đem đến cơ hội hợp tác có lợi cho đôi bên.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/binh-duong-san-xuat-dien-tu-rac-the-nao-66d4b0a/