Bình Dương sẽ hạ thi đua cán bộ nếu giải ngân không đạt
Năm 2023 tỉnh Bình Dương triển khai hàng loạt dự án trọng điểm với tổng kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Để đạt tỷ lệ giải ngân 25% mỗi quý, Bình Dương dồn lực triển khai thực hiện. Địa phương này sẽ hạ bậc thi đua đối với thủ trưởng, cán bộ công chức, viên chức liên quan trực tiếp không hoàn thành tỷ lệ giải ngân đã cam kết.
Ngày 31/3, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh giao gần 21.783 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/3, khối lượng thực hiện đạt gần 431 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt trên 924 tỷ đồng, đạt 4,2% kế hoạch tỉnh giao và đạt 7,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2022, đạt thấp hơn về cả giá trị giải ngân tuyệt đối và số tương đối.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, để nội dung Chỉ thị đi vào thực tiễn và thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh đã triển khai ký kết Bản giao ước thi đua thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 với các chủ đầu tư.
Có 6 nội dung được cam kết, đó là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn; thi đua tập trung nguồn lực cho giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; thực hiện tốt thủ tục hành chính trong giải ngân vốn; cam kết tỷ lệ giải ngân vốn đến quý IV đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao. Những nội dung cam kết sẽ được đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua cuối năm đối với người đứng đầu và công chức, viên chức, người lao động liên quan trực tiếp với hình thức hạ một bậc thi đua nếu không hoàn thành.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang dồn lực triển khai thực hiện các dự án đường Vành đai 3; Vành đai 4 TPHCM; Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Trong đó, Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,06km, trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn dài 15,3km (đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô), đoạn chưa đầu tư dài 10,76km.
Với dự án này, Bình Dương dự kiến ngày 15/6 tới sẽ khởi công, thi công cơ bản hoàn thành, thông xe tuyến chính cao tốc trong năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Đối với dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn qua tỉnh này có điểm đầu tuyến là cầu Thủ Biên, điểm cuối tuyến là sông Sài Gòn, tổng chiều dài tuyến khoảng 48,3km. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 20.331 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.667 tỷ đồng); dự kiến khởi công vào cuối 2023, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026.
Đối với dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành gồm: Đoạn nối cao tốc dài khoảng 8,8km từ cầu Gò Dưa đến đường Vành đai 3 và đoạn cao tốc dài khoảng 60,4km. Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Quy mô thực hiện đầu tư đoạn dự án cao tốc từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Phước (qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 45,6km); giải phóng mặt bằng đảm bảo quy mô hoàn thiện với lộ giới 60m và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có điểm dừng, làn dừng khẩn cấp suốt tuyến) theo phương án đầu tư PPP, với tổng mức đầu tư khoảng 17.499 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài khoảng 12,7km từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm hai làn xe về bên phải, hướng từ TPHCM đi Bình Dương, để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BOT.