Bình Dương: Từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Bình Dương đang tập trung xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, từng bước giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Bình Dương đang tập trung xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giúp DN tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế.

Bình Dương tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đã thu hút được hơn 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gồm dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí. Tuy vậy, hiện mới chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

Ông Majima Toshihiro - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Takako Việt Nam (Bình Dương) - cho biết, tại thời điểm này công ty đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. “Tuy nhiên, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, chúng tôi mong muốn tìm kiếm các đối tác ngay tại Việt Nam để có nguồn nguyên liệu bền vững” - ông Majima Toshihiro nói.

Là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư lâu năm tại Bình Dương, ông Lim Chiew Seng - đại diện Công ty TNHH White Feathers International - cho biết, công ty muốn tìm kiếm các đối tác cung cấp nguyên liệu phụ trợ tại Việt Nam để bảo đảm nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm. Ông Li Li, Giám đốc Công ty Gre Apha Electronic (Bình Dương) cũng có cùng quan điểm, công ty mong muốn tìm kiếm các khách hàng cung cấp nguồn linh kiện tại Việt Nam để đề phòng xảy ra biến cố khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu trở nên khan hiếm.

Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt), ngành cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ôtô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã hình thành Khu công nghiệp (KCN) tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ôtô. Hay Dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN VSIP II.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương cũng tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu. Đồng thời, sở phối hợp cùng Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp tổ chức chương trình kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-duong-tung-buoc-giam-phu-thuoc-nguyen-lieu-nhap-khau-182389.html