Thị trường Mỹ biến chuyển thế nào khi Fed cắt giảm lãi suất?
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất sau nhiều năm tăng liên tục đã có tác động tích cực đến thị trường.
Ngày 18-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay 0,5%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020. Đây được xem là mức giảm mạnh, được đưa ra không lâu trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, theo hãng tin AFP.
Cắt giảm ngoài mong đợi
Với mức cắt giảm lãi suất 0,5%, Fed đã hạ lãi suất liên bang xuống phạm vi 4,75% - 5%. "Hội đồng ngày càng tin tưởng lạm phát hạ nhiệt bền vững, hướng về mức mục tiêu 2%. Xác suất thị trường lao động và lạm phát đạt mục tiêu là ngang nhau" - Fed cho biết.
Bình luận về việc giảm lãi suất, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ hiện đang trong tình trạng tốt, tăng trưởng với tốc độ ổn định, lạm phát đang giảm, thị trường lao động đang ở trạng thái mạnh mẽ. Do đó, đây là thời điểm phù hợp để hạ lãi suất.
Quyết định giảm lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp vay, giảm chi phí vay đối với mọi loại hình vay, từ thế chấp đến thẻ tín dụng. Động thái này cũng đặt dấu chấm hết cho tình trạng lãi suất cao của Fed trong nhiều năm qua (vốn được nhằm mục đích giảm nhu cầu kinh tế, từ đó kiềm hãm tốc độ lạm phát). Theo đài NBC News, Fed thực hiện tổng cộng 11 lần tăng lãi suất trong giai đoạn từ tháng 3-2022 đến tháng 7-2023 để giảm lạm phát.
Theo AFP, lạm phát hiện đang giảm dần về mục tiêu 2% của Fed và thị trường lao động đang dần bớt căng thẳng khi nền kinh tế chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến sau đại dịch COVID-19. Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 8-2024 từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022 - mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm.
Tác động thế nào?
Theo Reuters, thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức phản ứng với thông tin cắt giảm lãi suất. Theo đó, các chỉ số chứng khoán đều tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 18-9, ngay sau khi có tin Fed giảm lãi suất.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA) tăng 0,36%, lên 41.755,91 điểm (kết phiên còn 41.503,10 điểm); chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,47%, lên 5.661,29 điểm (kết phiên còn 5.618,26 điểm); chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,77% lên 17.764,34 điểm (kết phiên còn 17.573,30 điểm).
Giá vàng thế giới cũng tăng phi mã, có thời điểm vượt mốc 2.600 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng sau đó giảm xuống còn 2.558 USD/ounce khi chốt phiên, sau khi chủ tịch Fed cho hay cơ quan này sẽ không vội vã điều chỉnh tiếp. “Tôi nghĩ rằng mọi người không nên coi động thái lần này là tốc độ điều chỉnh mới của Fed" - ông Powell nói.
Bên cạnh đó chỉ số đồng USD - thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với các đồng tiền mạnh khác - giảm nhẹ sau khi Fed thông báo giảm lãi suất, tuy nhiên sau đó tăng vọt trở lại vào ngày 19-9. Đơn cử, so với đồng yen (Nhật), giá trị đồng USD tăng 0,62%, hiện giao dịch ở tỉ giá 143,15 yen đổi 1 USD.
Theo Reuters, việc giảm lãi suất cũng khiến giá dầu thô giảm. Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch ở mức 73,65 USD/thùng, giảm 5 xu.
“Các hành động của Fed không chỉ giới hạn ở Mỹ. Chúng có tác động, tác động lan tỏa đến các khu vực khác trên thế giới nữa” - bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm chính sách và thị trường tài chính Psaros của ĐH Georgetown (Mỹ), cho biết.
Các quyết định của Fed tác động mạnh đến giá trị đồng USD, do đó cũng có thể tác động đến thị trường ngoại hối. “Các thị trường mới nổi dễ bị tác động vì phần lớn khoản vay của họ là bằng USD. Họ phải trả lãi và gốc bằng USD. Và nếu lãi suất thay đổi ở Mỹ, thì toàn bộ chi phí vay cũng sẽ thay đổi” - bà Aggarwal chia sẻ với đài CNBC.
Thời điểm quan trọng
Giới quan sát cho rằng quyết định của Fed được đưa ra tại thời điểm quan trọng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, giữa lúc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ra sức thuyết phục cử tri bầu cho mình.
Theo giới quan sát, quyết định của Fed có vẻ như sẽ có lợi cho bà Harris và cả đảng Dân chủ.
Trước diễn biến trên, bà Harris nói rằng thông tin Fed cắt giảm lãi suất là “tin tức đáng mừng đối với những người Mỹ đang phải gánh chịu gánh nặng giá cả cao”. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ nhắc lại các kế hoạch giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, nhà ở và hàng tạp hóa mà bà đề ra, nhấn mạnh rằng đó là một trong số những cách bà có thể giúp giảm bớt chi phí sinh hoạt cho người dân.
Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ông Trump cho rằng việc cắt giảm lãi suất cho thấy nền kinh tế đang xấu. “Cách bà Harris xử lý nền kinh tế đang gặp rắc rối nghiêm trọng, và Fed cũng tin rằng suy thoái đang ở ngay trước mắt, mặc dù bà ấy vẫn liên tục phủ nhận điều đó. Tất nhiên, trừ khi đây chỉ là động thái chính trị nhằm tác động đến cuộc bầu cử” - ông Brian Hughes, cố vấn cấp cao của ông Trump, nói.
Theo tờ The Washington Post, ông Trump dự kiến sẽ dùng việc Fed cắt giảm lãi suất để tấn công cơ quan này trong các cuộc vận động tranh cử sắp tới. Trước đó, cựu Tổng thống Trump từng nói rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ không tái bổ nhiệm ông Powell, và thậm chí sẽ thúc đẩy để có tiếng nói lớn hơn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ, đài CNN đưa tin.