Binh lính Bolivia chạy trốn sau khi đảo chính bất thành, tướng quân đội bị bắt

Nỗ lực đảo chính của một nhóm quân đội Bolivia đã kết thúc sau khi binh lính vội vàng rút khỏi các khu vực chính phủ ở thủ đô La Paz vào thứ Tư, vài giờ sau khi người ta nhìn thấy xe bọc thép đâm vào cửa Dinh Tổng thống.

Người ta cũng nhìn thấy binh lính bước vào tòa nhà này vào khoảng 4 giờ chiều thứ Tư giờ địa phương. Sau đó họ rút lui sau sự lên án của Tổng thống Luis Arce và các quan chức khác.

Chính quyền Bolivia đã bắt giữ cựu Tổng Tư lệnh quân đội Bolivia - Tướng Juan Jose Zuniga, người bị cách chức không lâu trước đó, sau khi binh lính rút lui khỏi quảng trường.

 Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Luis Arce đuổi theo binh lính khi họ tháo chạy khỏi Dinh Tổng thống ở La Paz, Bolivia vào ngày 26 tháng 6 năm 2024. Ảnh: AP

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Luis Arce đuổi theo binh lính khi họ tháo chạy khỏi Dinh Tổng thống ở La Paz, Bolivia vào ngày 26 tháng 6 năm 2024. Ảnh: AP

Đảo chính bất thành ở quốc gia nổi tiếng về đảo chính

“Chúng tôi tố cáo việc huy động bất thường của một số đơn vị của Quân đội Bolivia. Nền dân chủ phải được tôn trọng”, Tổng thống Arce nói trên mạng xã hội khi quân đội bắt đầu đến Dinh Tổng thống Bolivia ở trung tâm La Paz.

Ông đã bổ nhiệm các chỉ huy quân sự mới từ Dinh Tổng thống khi cuộc đảo chính đang diễn ra. Sau đó, các tướng lĩnh này đã ra lệnh cho quân lính ở quảng trường trở về nhà. Hàng nghìn người ủng hộ ông Arce đã đổ đến quảng trường khi binh lính rút lui.

Các kênh truyền hình địa phương trước đó đã chiếu cảnh Tổng thống Arce đối mặt với Tướng Zuniga ở hành lang Dinh Tổng thống. Ông Arce nói: “Tôi là cấp trên của anh và tôi ra lệnh cho anh rút binh lính của mình và tôi sẽ không cho phép sự bất hợp tác này”.

 Tướng Juan Jose Zuniga cho biết ông muốn giải thoát 'tù nhân chính trị', bao gồm cả cựu Tổng thống lâm thời Jeanine Anez. Ảnh: AP

Tướng Juan Jose Zuniga cho biết ông muốn giải thoát 'tù nhân chính trị', bao gồm cả cựu Tổng thống lâm thời Jeanine Anez. Ảnh: AP

Về phần mình, Zuniga từng cho biết trên truyền hình rằng ông mong chính phủ sẽ thay đổi và ông cũng có ý định trả tự do cho "các tù nhân chính trị", bao gồm cả cựu Tổng thống Jeanine Anez.

Bolivia là quốc gia chứng kiến nhiều cuộc đảo chính và cách mạng nhất trên thế giới kể từ năm 1950, thậm chí còn chứng kiến gần 200 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập vào năm 1825.

Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell tuyên bố: “Liên minh châu Âu lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ trật tự hiến pháp ở Bolivia và lật đổ các chính phủ được bầu cử dân chủ”.

Người đứng đầu Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Luis Almagro, cũng nhanh chóng đưa ra lời chỉ trích. Almagro nói: “Tổng thư ký của OAS lên án mạnh mẽ nhất các sự kiện ở Bolivia. Quân đội phải phục tùng quyền lực dân sự được bầu cử hợp pháp”.

 Tổng thống Bolivia Luis Arce phát biểu trước truyền thông sau khi quân đội đảo chính rút lui. Ảnh: AP

Tổng thống Bolivia Luis Arce phát biểu trước truyền thông sau khi quân đội đảo chính rút lui. Ảnh: AP

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chính quyền của ông "lên án mạnh mẽ các phong trào quân sự ở Bolivia" và đề nghị đoàn kết, hỗ trợ chính phủ và người dân.

Tổng thống Chile Gabriel Boric cũng bày tỏ "mối quan ngại về tình hình ở Bolivia" và "sự ủng hộ của chúng tôi đối với nền dân chủ ở đất nước anh em của chúng tôi và đối với chính phủ hợp pháp".

Trong khi đó Mỹ cũng phản ứng trước tin này bằng cách kêu gọi bình tĩnh. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bolivia và kêu gọi bình tĩnh”.

Hoàng Hải (theo AFP, AP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-linh-bolivia-chay-tron-sau-khi-dao-chinh-bat-thanh-tuong-quan-doi-bi-bat-post301055.html