Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành.

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu đề án nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương; nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

 Lễ hội cồng chiêng của đồng bào S’tiêng ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Báo Bình Phước

Lễ hội cồng chiêng của đồng bào S’tiêng ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Báo Bình Phước

Từ việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số, sẽ đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đánh giá chương trình; đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá.

Ngoài ra, 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu… được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống. Phấn đấu các cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến huyện được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến. Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số…

Tỉnh Bình Phước cũng phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi đề án.

Từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-phuoc-day-manh-chuyen-doi-so-trong-thuc-hien-chuong-trinh-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-post276421.html