Vì sao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp khó triển khai?

Thực hiện Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), năm 2024, tỉnh Hòa Bình phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hơn 166 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn mới được giải ngân gần 5%.

Thực hiện Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), năm 2024, tỉnh Hòa Bình phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hơn 166 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn mới được giải ngân gần 5%.

Hợp tác xã 3T Farm mong muốn sớm được triển khai dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất cam Cao Phong tại huyện nhằm góp phần bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.

Hợp tác xã 3T Farm mong muốn sớm được triển khai dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất cam Cao Phong tại huyện nhằm góp phần bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.

Tháng 4/2024, Hợp tác xã (HTX) 3T Farm Cao Phong được lựa chọn thực hiện dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất (LKSX) cam Cao Phong tại huyện Cao Phong. Để triển khai dự án, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm đi từng vườn khảo sát các hộ tham gia dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chuỗi sản xuất cam của HTX vẫn chưa được triển khai. Chị Thủy băn khoăn bởi hiện nay, HTX có hơn 80% lao động thuộc vùng ĐBDTTS tham gia, đủ điều kiện thuộc đối tượng được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Chị Thủy cũng nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ cùng tham gia dự án. Thực tế không chỉ chuỗi phát triển sản xuất cam Cao Phong của HTX 3T Farm mà nhiều chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN có quy định rõ đối với tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN. Theo đó, mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền, khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS&MN. Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh, HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Địa bàn thực hiện là các xã, thôn thuộc vùng ĐBDTTS&MN. Nội dung hỗ trợ là ưu tiên xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ xây dựng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.

Thực hiện dự án, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở NN&PTNT thẩm định 20 hồ sơ đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc các CTMTQG ở các huyện, thành phố. Qua thẩm định có 12 hồ sơ được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá đạt. Trong đó, huyện Kim Bôi có 4 dự án gồm: chuỗi LKSX và tiêu thụ sản phẩm ớt của HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi; dự án LKSX và tiêu thụ rau an toàn của HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Bình Sơn; dự án phát triển chuỗi LKSX ngô ngọt, dưa Queen; dự án phát triển chuỗi LKSX và thông báo tiêu thụ khoai tây chế biến và bí Nhật. Huyện Lạc Sơn có dự án liên kết chuỗi sản phẩm gà ri bản địa thương phẩm trên địa bàn các xã Vũ Bình, Quyết Thắng, Miền Đồi. Huyện Tân Lạc có 3 dự án gồm: LKSX và tiêu thụ mía ăn tươi theo chuỗi giá trị sản xuất tại xã Mỹ Hòa; LKSX và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn theo chuỗi giá trị tại xã Quyết Chiến; LKSX theo chuỗi giá trị tiêu thụ ớt tại xã Mỹ Hòa. Huyện Cao Phong có 2 dự án: phát triển chuỗi LKSX cam Cao Phong và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò vàng sinh sản tại xã Thạch Yên. Huyện Đà Bắc có 2 dự án: chuỗi LKSX và tiêu thụ sản phẩm cá nheo Mỹ nuôi lồng trên lòng hồ Hòa Bình tại xã Tiền Phong, Vầy Nưa; chuỗi liên kết chăn nuôi lợn bản địa gắn với bao tiêu sản phẩm tại huyện Đà Bắc.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Đức Thành, Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, các chuỗi giá trị sản xuất đã được thẩm định đang ở mức chỉnh sửa hồ sơ dự án hoặc chưa thể triển khai do vướng mắc về đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, đối với các HTX tham gia dự án, các hộ được hưởng lợi từ dự án phải thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các hộ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tham gia dự án nhưng không thuộc đối tượng hưởng lợi dự án. Các hộ làm trưởng nhóm thuộc các chuỗi giá trị sản xuất phải là hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Thực tế quy định này rất khó triển khai thực hiện vì hầu hết các HTX đều không đạt tiêu chí về đối tượng. Ban Dân tộc tỉnh đã có công văn gửi Ủy ban Dân tộc đề nghị hướng dẫn cụ thể về nội dung này nhưng chưa có phản hồi. Đây chính là nguyên nhân chậm tiến độ triển khai các dự án về chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, nhiều chuỗi giá trị sản xuất khi bắt tay vào triển khai không còn phù hợp với thực tế do giá thành sản phẩm thấp, người nông dân không còn mặn mà triển khai như chuỗi sản xuất ớt. Một số dịch bệnh trên đàn gia súc xuất hiện đã làm chậm quá trình triển khai chuỗi chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò tại các huyện. Bên cạnh đó, theo đánh giá của UBND tỉnh, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm, gặp khó khăn do trên địa bàn một số xã chưa có doanh nghiệp, HTX để thực hiện liên kết hoặc có thì trình độ, năng lực thực hiện dự án của một số đơn vị còn hạn chế.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/194819/vi-sao-chuoi-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-kho-trien-khai.htm