Bình Phước những trang sử vẻ vang

50 năm sau ngày Bình Phước giải phóng, những chiến trường xưa như Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành đang ngày một 'thay da, đổi thịt' và vươn lên phát triển mạnh mẽ. Từ thành quả đạt được hôm nay, những người đã từng cống hiến tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho vùng đất Bình Phước cũng cảm thấy sự hy sinh ấy là vô cùng xứng đáng khi mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa đang 'nở hoa' tươi thắm. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức hào hùng về những trận đánh lịch sử trên đất Bình Phước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời được khắc ghi trong dòng chảy lịch sử của dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Bình Phước.

BÀI 1
CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ - NHÌN TỪ CHIẾN TRƯỜNG LỘC NINH

Thất bại trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao ở 2 miền Nam, Bắc trong những năm 1970-1971 đã làm phá sản một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và học thuyết Richard Nixon của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Cho rằng hoạt động của lực lượng kháng chiến trong năm 1972 cũng chỉ tương tự như năm 1971, Nhà Trắng chủ trương cố giữ cục diện chiến trường ở Đông Dương như những năm trước, tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, rút dần quân Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam, tạo lợi thế trong đàm phán tại Hội nghị Paris và cuộc vận động tái tranh cử tổng thống của Nixon. Trước tình hình nêu trên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương: “Nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đánh bại học thuyết Nixon trên toàn chiến trường Đông Dương, tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương”. Từ chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định quyết tâm chiến lược năm 1972 là: mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trong đó, Trị Thiên là chiến trường chính, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là chiến trường phối hợp.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tháng 10-1971, Trung ương Cục miền Nam tổ chức hội nghị lần thứ 9 chủ trương mở cuộc tiến công và nổi dậy nhằm đánh suy sụp nặng quân đội và chính quyền Sài Gòn, đánh bại cơ bản chính sách bình định và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đối phương. Triển khai quyết tâm của Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền xác định kế hoạch quân sự như sau: tập trung khối chủ lực Miền kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công trên khu vực Bình Long, Tây Ninh và Phước Long, nhằm tiêu diệt và tan rã một bộ phận quân chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và bộ máy kìm kẹp của địch.

Nhân dân Lộc Ninh chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh ngày 7-4-1972 - Ảnh tư liệu

Nhân dân Lộc Ninh chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh ngày 7-4-1972 - Ảnh tư liệu

Từ cuối năm 1971, công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược đã được triển khai khẩn trương với quy mô lớn. Sau một loạt thắng lợi trong hoạt động chống địch bình định và chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân toàn thắng trong mùa xuân 1971, lực lượng vũ trang B2 tổ chức bố trí lại chiến trường và lực lượng. Các đơn vị tổ chức tiếp nhận sự chi viện của Bộ Quốc phòng, củng cố, bổ sung quân số và trang bị.

Bước sang đầu năm 1972, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược đã hoàn tất. Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch tiến công quân sự trên chiến trường miền Đông Nam Bộ - hướng phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Chiến dịch tiến công mang mật danh: Chiến dịch Nguyễn Huệ. Mục tiêu của chiến dịch là giải phóng một phần địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc. Hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch: khu vực đường 13; địa điểm quyết chiến là địa bàn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, sau đó phát triển về hướng Lai Khê, Dầu Tiếng. Hướng phối hợp của chiến dịch: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An. Hướng phối hợp quan trọng: Long Khánh, Biên Hòa. Hướng nghi binh: khu vực đường 22; địa điểm quyết chiến là Xa Mát, Trảng Sụp, sau đó phát triển về hướng Đồng Tháp Mười hoặc hướng Tây thành phố Sài Gòn. Lực lượng tham gia chiến dịch: chủ lực Miền có 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9), 4 trung đoàn bộ binh độc lập, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn binh chủng; lực lượng địa phương các phân khu, tỉnh đội có 10 tiểu đoàn và 63 đại đội. Bộ Tư lệnh Miền tách một bộ phận để thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ (lấy mật danh là Bộ Chỉ huy Đoàn 301), do đồng chí Trần Văn Trà (Phó Tư lệnh Miền) làm Tư lệnh, đồng chí Trần Độ (Phó Chính ủy Miền) làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy.

Ngày 1-4-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ bắt đầu. Tiến trình diễn biến của chiến dịch trải qua 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 1-4 đến 15-5-1972), quân giải phóng nổ súng tiến công trên đường 22 - hướng thứ yếu của chiến dịch - nhằm nghi binh, thu hút quân địch, diệt cụm cứ điểm Xa Mát, tạo điều kiện cho các đơn vị trên hướng chủ yếu đánh trận then chốt, diệt chi khu quân sự và giải phóng Lộc Ninh). Sau khi giải phóng Lộc Ninh, Sở chỉ huy Đoàn 301 dời về Tà Thiết để tiếp tục chỉ huy chiến dịch. Cùng với các mũi tiến công nêu trên, quân giải phóng tổ chức tiến công thị xã Bình Long nhưng cả 2 lần đều không thành công. Đợt 2 (từ ngày 16-5 đến 10-9-1972), quân giải phóng bao vây, cô lập Bình Long, tổ chức chốt chặn trên đường 13 ở khu vực Tàu Ô, đánh bại các cuộc hành quân mở đường lên thị xã của địch, bảo vệ an toàn tuyến hành lang và vùng mới giải phóng. Đợt 3 (từ ngày 1-10-1972 đến 19-1-1973), lực lượng tiến công tổ chức chiến đấu kìm giữ địch trên đường 13, chuyển trọng tâm chiến dịch xuống đánh địch bình định ở khu vực Bắc Bình Dương, diệt và bức rút hàng chục đồn bốt bảo an, dân vệ, làm chủ 28 xã; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở khu vực Rạch Bắp - Dầu Tiếng, kết thúc chiến dịch. Kết quả Chiến dịch Nguyễn Huệ, quân giải phóng loại khỏi chiến đấu hơn 13.000 tên (bắt 5.381), thu 282 xe quân (có 12 xe tăng, xe bọc thép), 45 khẩu pháo, hơn 6.000 súng các loại, bắn rơi và phá hủy 400 máy bay; giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu phía Tây Bắc Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Tính chung trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, quân khu miền Đông đã loại khỏi vòng chiến đấu 76.000 tên địch (quân chủ lực 67.000 tên), 16 tiểu đoàn bộ binh, 3 trung đoàn thiết giáp; đánh quỵ Sư đoàn 5 ngụy, đánh thiệt hại 8 sở chỉ huy cấp sư đoàn, lữ đoàn, chiến đoàn, 23 tiểu đoàn bộ binh; bắn rơi và phá hủy 897 máy bay, phá hủy, phá hỏng 1.081 xe quân sự (có 407 xe tăng và thiết giáp), 7.000 súng các loại, 433 máy thông tin, trên 13.000 đạn pháo, trên 40.000 viên đạn cối, trên 10.000 đạn rốc-két...

Chiến dịch đã làm cho thế và lực cách mạng trên chiến trường B2 phát triển lên một bước tiến mới, kết thúc hoàn toàn giai đoạn khó khăn kể từ sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Quân và dân miền Đông Nam Bộ đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực địch cả quân chủ lực và quân địa phương, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng, mở mảng, mở vùng, khôi phục nhiều vùng giải phóng có dân, giành lại ưu thế chiến tranh nhân dân đã mất trên nhiều địa bàn quan trọng (điều mà suốt hơn 3 năm 1969-1971 chưa thực hiện được), đập tan tuyến phòng thủ của địch từ biên giới xuống vùng Bắc, Tây Bắc Sài Gòn và trên nhiều hành lang vận tải của lực lượng kháng chiến. Trong chiến dịch, quân giải phóng Miền đã thực hiện thành công nghệ thuật nghi binh tạo thế, chọn đúng hướng, mục tiêu và khu vực tiến công chủ yếu, vận dụng linh hoạt và hiệu quả chiến thuật tiến công, bao vây chia cắt và phòng ngự chốt chặn kết hợp phản kích, truy kích địch.

Trong tương quan chung, thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 có ý nghĩa chi phối, phân tán, cầm chân quân địch tại địa bàn miền Đông Nam Bộ, trong đó có thành phố Sài Gòn - thủ đô của chế độ ngụy quyền, nơi phát ra chủ trương và chỉ đạo điều hành các hoạt động quân sự nhằm chống trả cuộc tiến công của quân giải phóng. Đồng thời góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược trên phạm vi cả nước, giáng một đòn lớn và bất ngờ vào chủ trương củng cố thế trận phòng ngự của địch sau hoạt động mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, buộc chúng phải trở lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Với Bình Phước, Chiến dịch Nguyễn Huệ đã trực tiếp đưa sự nghiệp cách mạng của quân và dân địa phương sang một giai đoạn mới, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để Lộc Ninh trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hồ Sơn Đài

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171533/binh-phuoc-nhung-trang-su-ve-vang