Bình Phước: Tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo

Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, những năm qua tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cộng giảm nghèo.

 Mô hình phát triển nghề thủ công truyền thống giúp chị em có việc làm và thu nhập tại địa phương

Mô hình phát triển nghề thủ công truyền thống giúp chị em có việc làm và thu nhập tại địa phương

Để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Bình Phước chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Các mô hình này không chỉ giúp hộ nghèo cải thiện đời sống mà còn tạo ra những cơ hội kinh tế lâu dài. Các ban ngành phục được giao nhiệm vụ làm đầu mối giảm nghèo đã hỗ trợ xây dựng 19 mô hình chăn nuôi, trị giá lên đến 25,7 tỷ đồng với nguồn kinh phí từ Trung ương. Các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp và chăn nuôi giúp nhiều hộ gia đình có thể vươn lên, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo nghề cũng được triển khai mạnh mẽ, giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, tính đến năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng 19 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo dấu ấn rõ nét trong công tác giảm nghèo bền vững.

Tuyên truyền phổ biến thông tin kiến thức, kỹ năng cho người dân

Tuyên truyền phổ biến thông tin kiến thức, kỹ năng cho người dân

Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng thực hiện lồng ghép Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) vào các chương trình giảm nghèo của tỉnh, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nhờ đó, suốt những năm qua, Bình Phước vẫn tiếp tục kiên trì hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.

Tiếp đến là sự vào cuộc của các hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo…

Theo UBND tỉnh Bình Phước, để có được kết quả ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững như thế, tỉnh Bình Phước đã đồng bộ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Về các giải pháp, nguồn lực tài chính vẫn giữ vai trò quyết định đến thành công cho chương trình xóa đói giảm nghèo, mà ở đó ngân sách nhà nước sẽ dẫn dắt, tạo động lực. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân.

Mô hình chăn nuôi gia súc thoát nghèo

Mô hình chăn nuôi gia súc thoát nghèo

Thêm nữa là vai trò của những hộ nghèo - đối tượng thụ hưởng. Vì chỉ khi bản thân họ muốn thoát nghèo, khát khao thoát nghèo, nỗ lực thoát nghèo thì các chính sách an sinh mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. Đồng thời các cấp các ngành nỗ lực tuyên truyền phổ biến, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giúp người dân giảm nghèo thông tin, để từ đó họ chủ động nắm bắt, thay đổi tư duy lao động sản xuất, vươn lên phát triển một cách bền vững.

Dù chương trình xóa giảm nghèo tại Bình Phước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đôi lúc còn chưa đồng bộ; một bộ phận hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước… Nhưng trên hết, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững này đã đạt được nhiều thành tựu tích cực.

Trường Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/binh-phuoc-tap-trung-nguon-luc-cho-muc-tieu-giam-ngheo-2025052309375571.htm