Thủ tướng Chính phủ: Phân cấp, phân quyền để tránh lãng phí thời gian và cơ hội
Thủ tướng đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát. Như vậy, sẽ tránh được lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian.
Sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Đi ngược xu thế, Việt Nam có những giải pháp đặc biệt
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện nhiều khó khăn, các tổ chức, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm ngoái và thấp hơn dự báo đầu năm. Trong khi đó, Việt Nam “đi ngược xu thế” khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ. Ảnh: Như Ý
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, chúng ta tiếp tục tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược. Một là thể chế, điểm nghẽn của điểm nghẽn, với mục tiêu của Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị là phải quyết tâm tháo gỡ xong các điểm nghẽn trong năm nay, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Đây là giải pháp quan trọng vì vừa góp phần thúc đẩy, tháo gỡ, lại vừa là động lực, nguồn lực cho phát triển.
Hai là, đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, vấn đề cũng đang là điểm nghẽn. Chi phí logistics của Việt Nam là 17 – 18% GDP, so với bình quân của thế giới là 10 – 11%, rõ ràng là đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế và trong nước. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là giao thông. Theo đó, phấn đấu hoàn thành 3.000 km cao tốc trong năm nay; triển khai phát triển đường sắt cao tốc, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại; tập trung đường thủy nội địa, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, phát triển hàng không, cảng biển. Đi cùng với đó là hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, thể thao, văn hóa đều phải phát triển, đảm bảo bao trùm và đồng bộ.
“Điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, phải thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình thì ta mới dám đi ngược lại, để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Các bộ, các ngành, các cấp phải cùng nhau đoàn kết, đồng lòng… Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đấy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về đột phá thứ ba là nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ năng suất lao động của chúng ta đang thấp. Tăng năng suất lao động là vấn đề lớn của đất nước.
Cùng với ba đột phá chiến lược, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết bao gồm Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68. Đây là bộ tứ chiến lược để đưa đất nước ta phát triển nhanh mà bền vững.
Bên cạnh những giải pháp đột phá này, Thủ tướng nêu rõ, phải làm mới lại động lực tăng trưởng cũ, bao gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Theo đó, phải có cơ chế thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Đối với động lực xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang làm mới lại chính sách thuế để ứng phó với tình hình hiện nay. Bối cảnh này cần phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đồng thời tích cực đàm phán, đảm bảo lợi ích cốt lõi của chúng ta. “Bình tĩnh, đối thoại không đối đầu, lắng nghe, kiên trì thuyết phục, không lo ngại hoảng hốt nhưng cũng không lơ là chủ quan. Bảo vệ lợi ích cốt lõi, tinh thần là các bên đều có lợi. Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc.
Về tiêu dùng, các giải pháp Thủ tướng nhấn mạnh là thông qua các chính sách thuế, phí , lệ phí, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Lưu ý việc hoãn, giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, khuyến khích tiêu dùng.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng phải đẩy mạnh các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn như chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ 8. Ảnh: Như Ý
Chấp nhận "trả học phí" để giải quyết các dự án tồn đọng
Đối với việc thực hiện chính quyền hai cấp, Thủ tướng khẳng định, quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái, từ trạng thái thụ động tiếp nhận những nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, chuyển sang trạng thái là chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện chính quyền hai cấp là để giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, mở rộng cái không gian phát triển.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý, thay vì tiền kiểm, phải chuyển sang hậu kiểm. Quản lý nhà nước tập trung vào chiến lược, quy hoạch; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chính sách phát triển và công cụ giám sát; thực hiện kiểm tra, giám sát…
“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì tổ chức thay đổi, tổ chức thay đổi thì con người phải thay đổi” - Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo xây dựng hai Nghị quyết để trình Bộ Chính trị về y tế và giáo dục, cùng với 4 Nghị quyết nêu trên, tạo thành sự đồng bộ về chủ trương.
Liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng cho rằng chúng ta “đã bắt đúng bệnh”. Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, gây lãng phí. Nghị quyết 133 đã được ban hành để xử lý vấn đề này với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro.
Theo thống kê, hiện chúng ta có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng, mà giá trị nếu tháo gỡ được lên đến hơn 230 tỷ USD, bằng khoảng 50% tổng GDP của đất nước. Việc tháo gỡ không phải để hợp thức hóa cái sai mà tìm giải pháp phù hợp, tháo gỡ từ thể chế đến con người. Thể chế mắc thì gỡ thể chế, con người sai thì xử lý người làm sai. “Chúng ta phải cũng phải chấp nhận đây là căn bệnh. Đã chữa bệnh phải đau, phải tốn tiền” - theo Thủ tướng.
Từ quan điểm này, Thủ tướng phân tích khi khắc phục hậu quả thì không thể đòi hỏi thu về 100%, phải chấp nhận đau đớn, cắt bỏ, để có bài học, coi đó là học phí thì mới giải quyết dứt điểm được. Chủ trương là không để lãng phí, luật pháp không bao giờ bao phủ được hết góc cạnh cuộc sống, miễn là đừng có tiêu cực, tham nhũng, phải vô tư, trong sáng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ những vấn đề Chính phủ đang trình, đặc biệt là về phân cấp phân quyền, đi đôi với đó là phân bổ nguồn lực, kết hợp với công cụ giám sát, kiểm tra.
Khi Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ sẽ phân cấp cho các địa phương, các bộ, các ngành, thay vì cái gì cũng phải đi xin. Địa phương xin Chính phủ, Chính phủ xin Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… với nhiều quy trình, thủ tục. Trong khi đó, có nhiều việc là đương nhiên, Quốc hội và các đại biểu đều ủng hộ…
Theo Thủ tướng, cần phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, tăng cường năng lực thực thi và năng lực giám sát. Như vậy, sẽ tránh được lãng phí thời gian và cơ hội. “Hai cái lãng phí rất quan trọng là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian. Chúng ta lại chưa đánh giá hết được cái này. Cơ hội đến và đi rất nhanh, xong được thủ tục thì cơ hội đã đi mất” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng mong muốn các đại biểu ủng hộ việc cải cách thủ tục hành chính, ủng hộ phân cấp, phân quyền. “Ai làm tốt thì phân cấp, ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì chúng ta phân cấp” - Thủ tướng đề nghị./.