Thủ tướng: Giải quyết hàng ngàn dự án tồn đọng phải chấp nhận mất mát, coi đó là học phí

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hàng ngàn dự án tồn đọng được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực lớn cho phát triển đất nước.

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ đã tập trung rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án, với tổng số vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 235 tỉ USD), tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 ngàn ha.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ ngày 23-5. Ảnh: Minh Phúc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ ngày 23-5. Ảnh: Minh Phúc

Theo lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua đang tập trung hoàn thiện thể chế để chống lãng phí, trong đó có việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài. Nhắc đến con số 2.200 dự án đang vướng mắc, Thủ tướng cho biết khi tháo gỡ được, sẽ giải phóng nguồn lực tới hơn 230 tỉ USD, bằng 50% GDP cả nước.

Các vướng này đang dần được tháo gỡ, từ việc xây dựng thể chế đến cách thức triển khai, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "không hợp thức hóa sai phạm". Theo Thủ tướng, tình hình thay đổi thì cơ chế chính sách phải thay đổi. Đây là "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, chịu mất máu, mất tiền.

"Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí. Việc này cho chúng ta bài học mới, kinh nghiệm mới, không thể không làm, mà đã làm phải có thiệt thòi"- Thủ tướng nêu rõ. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án tồn đọng được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho phát triển đất nước.

Hiện cả nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thủ tướng yêu cầu tránh lãng phí trong sắp xếp, xử lý tài sản công, đặc biệt là trụ sở làm việc.

Bên cạnh đó, khi tinh gọn bộ máy, cần chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giám sát và cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, xóa bỏ cơ chế xin - cho để không lãng phí cơ hội của người dân, doanh nghiệp.

Song hành với việc này, Thủ tướng yêu cầu phân cấp, phân quyền thực chất, phân bổ quyền lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. "Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại phân xuống cho bộ, ngành, địa phương chứ chúng tôi chẳng giữ làm gì vì nếu giữ khư khư nguồn lực thì không làm được gì, cái gì cũng phải đi xin"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay, theo Thủ tướng, tiếp tục tập trung vào 3 đột phá chiến lược cần tập trung về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Một động lực quan trọng khác được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là "bộ tứ trụ cột", gồm 4 nghị quyết Bộ Chính trị vừa ban hành về phát triển khoa học công nghệ; hội nhập quốc tế; xây dựng và hoàn thiện pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng đó, Thủ tướng cho rằng cần phải làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến động của thế giới.

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-tuong-giai-quyet-hang-ngan-du-an-ton-dong-phai-chap-nhan-mat-mat-coi-do-la-hoc-phi-19625052314064334.htm