Bình quân 517 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu đạt đỉnh
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0% so cùng kỳ năm trước. Gạo trở thành mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với giá xuất khẩu liên tục tăng, từ đầu năm đến nay đạt bình quân 517 USD/tấn. Đây được coi là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Gạo xuất khẩu Trung Quốc: Bình quân 589 USD/tấn
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa xuất khẩu lô gạo chất lượng cao hơn 2.000 tấn qua thị trường Trung Quốc. Sau đơn hàng này, công ty chuẩn bị xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông.
Tổng Giám đốc Công ty Trung An Phạm Thái Bình cho biết: Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao, lượng gạo chất lượng cao chiếm phần lớn đơn đặt hàng.
“Giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước… Đây cũng là thị trường có mức giá bình quân cao nhất trong 3 thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam”, ông Phạm Thái Bình thông tin.
Không riêng thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT thống kê: Xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Singapore tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU ghi nhận tăng trưởng gần 50%. Nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Đặc biệt, gạo Việt giữ vững thị trường truyền thống và trọng điểm, như Philippines chẳng hạn...
Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển nông sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay: Năm nay, nguồn cung gạo toàn cầu có thể lâm vào cảnh thiếu hụt lớn nhất hai thập kỷ qua. Đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu.
“Đặc biệt, tại thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó, nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Tập trung phân khúc gạo chất lượng cao
Ít ngày trước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 20%; giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%; 25% lượng gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice...
Với những diễn biến mới nhất của thị trường xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, lực cầu tốt có thể đẩy giá lên và kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay tăng 10-15%, đạt khoảng 3,85-4 tỷ USD. Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp theo sát thị trường, tập trung kiểm soát nguồn hàng để bán ra ở thời điểm giá tốt, giảm rủi ro trượt giá và tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, chiến lược là tiền đề để các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tập trung liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng để tập trung vào phân khúc thị trường chất lượng cao, có giá trị lớn.
Theo Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, Cục sẽ phối hợp các doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát vùng sản xuất gạo, lựa chọn sản phẩm gạo chất lượng tốt để tập trung xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để đạt mục tiêu chiến lược Chính phủ đề ra. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất, bảo đảm nguồn cung xuất khẩu tới những thị trường lớn...