Bình Thuận có văn bản hỏa tốc về vụ sạt lở tại khu du lịch Bàu Trắng
Theo báo cáo, khu vực ven bờ Bàu Trắng xảy ra hiện tượng sạt lở đất, với chiều dài vòng cung khoảng 115 m, chiều rộng 21 m, chiều cao 4 m, diện tích bị sạt lở khoảng 1.590 m2.
Sáng 4/5, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương liên quan đến việc sạt lở ở ven bờ Bàu Trắng (vị trí điểm du lịch Bàu Trắng), xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND huyện Bắc Bình chủ trì, phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát trực tiếp khu vực sạt lở, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 4/5.
Ngoài ra, sau khi khảo sát, các đơn vị liên quan có đánh giá tác động ảnh hưởng (sơ bộ) và đề xuất giải pháp xử lý tình trạng nêu trên trong ngày 7/5 để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bắc Bình, khoảng 10h30 ngày 3/5, khu vực ven bờ Bàu Trắng thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, xảy ra hiện tượng sạt lở đất cát bờ Bàu Trắng, với chiều dài vòng cung khoảng 115 m, chiều rộng 21 m, chiều cao 4 m, diện tích bị sạt lở khoảng 1.590 m2.
Sau khi nhận được tin báo hiện tượng sạt lở đất ven bờ Bàu Trắng, vị trí điểm du lịch Bàu Trắng, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo UBND xã Hòa Thắng, Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, triển khai cắm cọc, biển cảnh báo khu vực sạt lở để người dân, du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần khu vực sạt lở.
Bàu Trắng ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình là một thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận - vùng đất quanh năm nắng và gió.
Trước đây, Bàu Trắng ít được biết tới, đa số chỉ dành cho những người thích khám phá. Từ khi tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú hoàn thành, khu du lịch sinh thái Bàu Trắng với đồi Trinh nữ trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá du lịch huyện Bắc Bình nói riêng và Bình Thuận nói chung của du khách.
Bàu Trắng là vùng hồ nước ngọt tự nhiên rộng lớn được chia thành hai phần bởi một đồi cát chắn ngang qua. Người dân nơi đây từ xưa gọi là Bàu Ông và Bàu Bà (nay gọi là Bàu Trắng và Bàu Sen).
Dù nằm giữa một vùng quanh năm nắng gió, khô cằn nhưng nước trong bàu rất dồi dào và trong mát. Nhờ đó, cây cối xung quanh phát triển, tươi tốt như một ốc đảo.
Điểm nổi bật là Bàu Trắng được bao quanh bởi một đồi cát trắng trập trùng với tên gọi mỹ miều đồi Trinh nữ. Cát ở đây có màu trắng phau, kéo dài uyển chuyển như những dải lụa, khiến du khách liên tưởng tới sa mạc Sahara khô cằn với bốn bề là những đồi cát hoang vu, mênh mông.
TTXVN