Bình Thuận: Dẹp nạn khoanh nuôi hải sản trái phép trên biển

Thời gian gần đây, tình trạng tự ý làm cội chà và khoanh nuôi hải sản trái phép tại vùng biển tỉnh Bình Thuận không chỉ xâm hại môi trường biển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế ngư dân.

Vô vàn hệ lụy

Việc nuôi trồng thủy sản tự phát theo phương thức trên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển rất lớn. Các cội chà và bè nuôi không được quản lý chặt chẽ có thể gây ra tình trạng mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài hải sản, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Một số người dân thường tìm kiếm các khu vực ven biển có điều kiện thuận lợi để làm cội chà, nhằm thu hút hải sản. Họ sử dụng các vật liệu như lốp xe, gỗ, các loại vật liệu không phù hợp tạo thành các cấu trúc dưới nước. Sau khi làm cội chà, người dân khoanh vùng bằng cách sử dụng dây, cọc hoặc các vật liệu khác để đánh dấu khu vực mà họ tự ý chiếm dụng.

Sự xuất hiện của các cội chà có thể làm thay đổi môi trường sống tự nhiên, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài hải sản khác. Bà Lê Thị Mai, một ngư dân tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong cho biết: “Chúng tôi thấy nhiều loại cá và tôm không còn xuất hiện như trước. Việc sử dụng vật liệu không phù hợp để làm cội chà cũng làm ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng chất lượng nước và sức khỏe các loài hải sản”. Ông Nguyễn Văn Hải, một ngư dân khác tại xã Chí Công chia sẻ, trước đây mỗi lần ra khơi có thể thu hoạch được nhiều loại hải sản. Nhưng giờ đây, do tình trạng khoanh nuôi trái phép, nguồn lợi đã giảm sút đáng kể. Nhiều khu vực mà ông thường đánh bắt giờ đã bị chiếm dụng.

Việc khoanh nuôi hải sản trái phép còn dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa các ngư dân. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuy Phong, đặc biệt là khu vực từ xã Chí Công đến xã Bình Thạnh đã xảy ra một số vụ việc phức tạp liên quan hoạt động tự phát khoanh vùng nuôi trồng thủy sản. Cả trăm cụm nuôi tự phát đã hình thành, gây ra nhiều tranh chấp ngư trường giữa các ngư dân hành nghề lặn và các hộ, nhóm chiếm giữ cội chà, nuôi bè. Những tranh chấp này không chỉ khiến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân bị cản trở mà còn nguy cơ tiềm ẩn an ninh trật tự. Theo Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, có hơn 100 cụm nuôi tự phát đã được ghi nhận tại khu vực này.

Tương tự, tại TP Phan Thiết, tình trạng mua sò nhỏ về thả nuôi tại các khu vực cội chà, bè và cử người canh giữ đã trở nên phổ biến tại một số phường như Phú Hài, Mũi Né... gây ra bức xúc trong cộng đồng ngư dân. Các ngư dân lặn vốn sống dựa vào việc khai thác hải sản tự nhiên, nay thường xuyên bị cản trở mưu sinh.

Quyết liệt tháo dỡ

Trước tình hình phức tạp trên, Phòng An ninh kinh tế và Công an huyện Tuy Phong cùng lực lượng chức năng đã tiếp xúc, làm việc và vận động các hộ tự ý khoanh vùng nuôi trồng tự nguyện tháo gỡ khoảng 80 cội chà. Đồng thời, công an cũng phối hợp Chi cục Thủy sản rà soát công tác quản lý nhà nước trong hoạt động nuôi biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan nuôi trồng thủy sản như thông báo về việc đăng ký nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, giao khu vực biển cho cá nhân nuôi trồng thủy sản, được tăng cường chú trọng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tháo dỡ các cội chà trái phép. (Ảnh: Tiến Dũng)

Lực lượng chức năng kiểm tra, tháo dỡ các cội chà trái phép. (Ảnh: Tiến Dũng)

Ngoài việc xử lý các vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trật tự trên biển. Việc tuyên truyền không chỉ giúp ngư dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, còn tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng, từ đó góp phần giảm thiểu các tranh chấp xung đột có thể xảy ra.

Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động nuôi biển, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phòng An ninh kinh tế tiếp tục phối hợp nắm tình hình, rà soát tham mưu triển khai hoàn thiện các quy hoạch, đề án nuôi biển. Đồng thời, các chương trình, đề án chuyển đổi ngành nghề khai thác thủy sản cũng sẽ được chú trọng, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản hợp pháp trên biển.

Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, UBND huyện đã thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh Bình Thuận bằng cách triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển phát triển bền vững”, ông Trực nói.

Tiến Dũng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/binh-thuan-dep-nan-khoanh-nuoi-hai-san-trai-phep-tren-bien-post539588.html