Bình Thuận: Hơn 100 đại biểu tham dự Hội thảo giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại
Sở Công Thương Bình Thuận vừa phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại tại tỉnh Bình Thuận.
Hội thảo diễn ra với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, là thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Bình Thuận, công chức, viên chức phụ trách công tác hội nhập quốc tế về kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Phan Thiết, giảng viên, sinh viên trường Cao đẳng Bình Thuận và đại diện Lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận Biện Tấn Tài đã khẳng định các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa cũng như có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại dự do (FTA). Trong quý I năm 2024, tình hình kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng khá tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 10.546,8 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 26.571 tỷ đồng, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 158,3 triệu USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 300,5 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó, còn có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong việc hiện đại hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tìm hiểu về các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết và đã có hiệu lực nhằm tận dụng các cơ hội ưu đãi, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Tại Hội thảo, báo cáo viên đến từ Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã phổ biến kiến thức tổng quan về quy trình pháp luật phòng vệ thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; thực tiễn và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước; ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Các báo cáo viên cũng đặc biệt lưu ý về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; tầm quan trọng của công tác dự báo và quy định về phòng vệ thương mại; chủ động, tích cực phối hợp giữa các doanh nghiệp vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước; đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại. Các công cụ phòng vệ thương mại nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tỉnh đã được các cán bộ Cục Phòng vệ thương mại trao đổi trực tiếp, giải đáp các thắc mắc giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại và có sự chuẩn bị để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông Hội thảo, đại biểu tham dự hội thảo có thể nắm được những thông tin mới nhất về phòng vệ thương mại, cách thức xử lý, ứng phó với những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như các ngành sản xuất, xuất khẩu trong tình hình hiện nay.