Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 27: Khẳng định Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Góp phần cùng cả nước xây dựng nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết số 27 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) là mục tiêu của Chương trình hành động mà Tỉnh ủy Bình Thuận đã đề ra.
Thực trạng
Trong thời gian qua, hệ thống chính trị và nhân dân của tỉnh Bình Thuận đã tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng chính quyền các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, kiến tạo, phát triển. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Việc tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật được tiến hành nghiêm túc. Đã cụ thể hóa, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đúng thẩm quyền, quy định pháp luật, phù hợp với thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội tại địa phương. Việc phân công, phối hợp và kiểm soát hoạt động giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện khá tốt. Bộ máy chính quyền các cấp từng bước tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục được đổi mới, chất lượng được nâng lên. Hoạt động của UBND các cấp ngày càng thể hiện tính chủ động, tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành phát triển các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hai cấp trong tỉnh tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được thực hiện tốt hơn; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều hoạt động tham gia xây dựng chính quyền. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ảnh: Đ.Hòa
Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức và chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, các cơ quan tư pháp các cấp của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển hiện nay. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nghiêm. Việc cụ thể hóa, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc rà soát bổ sung, sửa đổi một số chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa kịp thời với quy phạm pháp luật mới ban hành. Hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp xã chưa cao, chưa phát huy hết vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa mạnh. Hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hai cấp còn bộc lộ những bất cập. Hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng chính quyền có lúc, có nơi chưa cao. Quyền làm chủ và lợi ích chính đáng của người dân có lúc, có nơi chưa được phát huy, đảm bảo đầy đủ.
Mục tiêu và các nhóm giải pháp
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; về kiểm soát quyền lực Nhà nước. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách hành chính. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển tỉnh nhanh, bền vững. Xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và HĐND các cấp tiếp tục được đổi mới, đạt chất lượng, hiệu quả cao; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được xếp thứ hạng cao trong số 63 tỉnh, thành phố; năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp bảo đảm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Cải cách tư pháp phải đồng bộ, hiệu quả, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Thực hiện hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.
Tỉnh ủy cũng đề ra 9 nhóm giải pháp để đảm bảo thực hiện đạt được mục tiêu đã đề ra. Cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển của địa phương nhanh và bền vững; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; Tham gia xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Mục tiêu tổng quát: Tổ chức thực hiện nghiêm Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền ở địa phương và các cơ quan tư pháp các cấp ở tỉnh Bình Thuận tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững…