Bình Thuận: Ước đón 8,35 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 22.300 tỷ đồng
Kể từ khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, toàn tỉnh ước đón 8,35 triệu lượt du khách.
Ngày 8/11, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 và phương án phân bổ chi ngân sách tỉnh năm 2024.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Bình Thuận triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đạt được kế hoạch đề ra.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,3%, vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 2,85%, công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,85%, dịch vụ ước tăng 11,64%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, ước tăng 5,51% so với năm 2022 với 5/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu ước tăng so với năm 2022.
Một số dự án công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh được cấp có thẩm quyền chấp thuận như: Kho LNG Sơn Mỹ, dự án điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ 2, KCN Sơn Mỹ 2. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Về hoạt động du lịch, kể từ khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; toàn tỉnh ước đón 8,35 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 22.300 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch năm.
Công tác thu ngân sách Nhà nước được triển khai tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Tỉnh Bình Thuận tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong năm, toàn tỉnh có thêm 12 dự án triển khai xây dựng, 12 dự án đưa vào hoạt động.
Năm 2024, UBND tỉnh xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước là 9.963 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là hơn 9.005 tỷ đồng.
Tổng thu cân đối ngân sách địa phương là hơn 13.972 tỷ đồng, tăng hơn 241 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao. Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024 là hơn 13.972 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng khẳng định, năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục như: vẫn còn 3 chỉ tiêu (tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; kim ngạch xuất khẩu; chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương) chưa đạt được theo kế hoạch đề ra; thu nội địa giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 (-14,71%).
Mặt khác, sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, một số vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cụ thể chưa được giải quyết dứt điểm…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023.
Từ đó thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023; đồng thời, triển khai tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024.