Bình tĩnh, chủ động trong phòng ngừa và điều trị bệnh cúm
BHG - Thời gian qua, đã có thông tin về việc gia tăng mắc cúm ở một số nơi hay một số người có sức đề kháng yếu, sau khi bị cúm có thể trở nặng, phải thở máy... Qua đó khiến dư luận lo lắng, lan truyền một số cách phòng cúm hoặc đổ xô đi tiêm ngừa cúm. Tuy nhiên, từ ý kiến của các chuyên gia, các y, bác sỹ, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động trong phòng ngừa và điều trị bệnh cúm, một loại bệnh thông thường vẫn xảy ra hàng năm.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh cúm và sởi. Theo Bộ Y tế cho biết, trong nước số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024, trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ năm trước, các tác nhân chủ yếu là cúm A và cúm B. Sự khẳng định của Bộ Y tế cho thấy, tình hình mắc cúm trong cả nước thời gian này không có sự đột biến so với mọi năm. Các chuyên gia y tế cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không chủ quan, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
Trao đổi với lãnh đạo các bệnh viện tại thành phố Hà Giang như Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đức Minh, lãnh đạo các bệnh viện cho biết, dịp Tết và sau Tết là thời gian người dân thường di chuyển đến nhiều địa điểm, gia tăng giao tiếp, cộng với yếu tố thời tiết thay đổi, gió mùa và không khí lạnh, mưa phùn, nồm ẩm…, dễ khiến các mầm bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp phát sinh, người dân dễ mắc các loại cúm mùa, cúm A và cúm B. Trải qua mùa Đông rét kéo dài, dịp sau Tết cũng là thời điểm sức đề kháng của cơ thể cũng giảm hơn. Đặc biệt, sau vài năm tiêm vác xin Covid-19, khi chúng ta không tiêm các vác xin Covid-19 và vác xin cúm, đồng thời hoạt động đời sống trở lại bình thường, người dân ít đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, khiến cơ thể dễ bị cúm trở lại như trước đây.
Thực tế tại các bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh và một số phòng khám ở thành phố Hà Giang, sau Tết năm nay đã ghi nhận nhiều hơn số trường hợp mắc cúm mùa, cúm A, cúm B đến khám, điều trị. Bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, để đề phòng cúm, người dân cần chủ động đi tiêm phòng, đồng thời hàng ngày cần chú ý vệ sinh mũi, họng, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cúm; mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng trước bệnh cúm. Người bị cúm nên nghỉ ngơi ở nhà, hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với nhiều người để không lây cúm ra cộng đồng.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm: Đối với những người khi nghi bị cúm cần đến bệnh viện, các cơ sở y tế khám, test để xác định loại cúm, mức độ cúm. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh, bởi tùy theo tình trạng bệnh, cách điều trị sẽ khác nhau, nếu điều trị không đúng khiến bệnh có thể sẽ nặng hơn, lâu khỏi hơn. Đặc biệt, không phải cứ bị cúm là tự ý mua và uống thuốc kháng sinh, bởi việc sử dụng kháng sinh chỉ áp dụng khi người bệnh bị bội nhiễm đường hô hấp do cúm; một số trường hợp chỉ cần sử dụng thuốc kháng virus cúm.
Trước những thông tin về bệnh cúm, thời gian qua trên mạng xã hội có thông tin về việc trồng củ hành Tây đặt ở các phòng để hút virus cúm, giúp hạn chế việc bị cúm. Những thông tin này thu hút không ít người theo dõi và làm theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế cho rằng, không có căn cứ khoa học cho vấn đề này nên việc làm theo là không nên, khiến người dân chủ quan với cúm.
Cùng với đó, trong thời gian qua trước những thông tin lan truyền trên mạng về bệnh cúm bùng phát, có những trường hợp biến chứng dẫn đến nguy hiểm, không ít người đổ xô đi tiêm vác xin phòng cúm. Ghi nhận tại một số điểm tiêm vác xin ở thành phố Hà Giang những ngày qua, có rất đông người đến để tiêm vác xin ngừa cúm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để đảm bảo tốt nhất việc phòng cúm, người dân cần chủ động tiêm vác xin từ đầu mùa Đông Xuân và tiêm nhắc lại hàng năm. Ngoài ra, cần phải thực hiện phòng ngừa hàng ngày như rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, cồn y tế, đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm hoặc đến vùng có bệnh.