Bình yên chùa Hà trong ngày Rằm tháng Giêng
Ngày 12-2, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại cụm di tích đình - chùa Hà trong ngày Rằm tháng Giêng. Đây là một trong những điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng, có sức hút lớn vì thế công tác tổ chức, bảo đảm văn minh, an toàn luôn được quan tâm, lưu ý.
![Cụm di tích đình - chùa Hà thu hút khá đông người dân và du khách đặc biệt là giới trẻ đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động lễ bái diễn ra trật tự, văn minh. Ảnh: Hoàng Lân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51460276/3be880d2b79c5ec2078d.jpg)
Cụm di tích đình - chùa Hà thu hút khá đông người dân và du khách đặc biệt là giới trẻ đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động lễ bái diễn ra trật tự, văn minh. Ảnh: Hoàng Lân
Ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, vào ngày Rằm tháng Giêng, lượng khách đến chùa Hà đi lễ khá đông nhưng công tác tổ chức diễn ra trật tự, văn minh, an toàn. Không gian cảnh quan chùa Hà sạch đẹp, được trang trí nhiều hoa và cây xanh, tạo cho du khách sự an tâm, thảnh thơi khi đi lễ ngày rằm. Các khu thờ tự bài trí trang nghiêm, đúng quy định. Người dân và du khách thắp hương ở ngoài, trật tự lễ bái. Việc đốt vàng mã được thực hiện đúng quy định. Không có tình trạng ăn xin, bán hàng rong, thực hiện nghiêm việc trông giữ xe không thu phí của du khách khi đi lễ. Những hộ trông xe tự phát cũng có niêm yết giá 5.000 đồng/xe máy.
Chùa Hà là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông (1054 – 1072). Chùa có tên tự là Thánh Đức Tự. Chùa Hà cùng với đình Bối Hà tạo thành một cụm di tích có tên gọi là đình - chùa Hà. Nơi đây nổi tiếng linh ứng khi cầu xin tình duyên. Nhờ đó, hằng năm, đình - chùa Hà thu hút hàng triệu du khách thập phương đến hành lễ, nhất là trong dịp lễ hội đầu Xuân.
![Chùa Hà là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Ảnh: Hoàng Lân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51460276/d28668bc5ff2b6acefe3.jpg)
Chùa Hà là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Ảnh: Hoàng Lân
Trưởng Phòng Văn hóa thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường cho biết, để bảo đảm công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận diễn ra an toàn, văn minh, UBND quận Cầu Giấy đã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội. Tại di tích đình – chùa Hà, năm nay quận đã xây dựng mã QR code để giới thiệu về ý nghĩa lịch sử, tâm linh đến người dân và du khách về hành lễ. Tại đây cũng niêm yết đầy đủ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm đầu tư, bố trí các bình chữa cháy trong di tích; thường xuyên hướng dẫn người dân đi lễ thắp hương đúng nơi quy định…
Về công tác tổ chức quản lý hòm công đức, bà Hoàng Thị Đàn - Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình – chùa Hà thông tin, thực hiện Thông tư 04 của Bộ Tài chính về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, mọi khoản tiếp nhận, thu chi tại đình-chùa Hà đều được ghi chép đầy đủ.
![Người dân và du khách dễ dàng quét mã QR code để tìm hiểu thông tin về cụm di tích đình - chùa Hà. Ảnh: Hoàng Lân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51460276/bd690453331dda43830c.jpg)
Người dân và du khách dễ dàng quét mã QR code để tìm hiểu thông tin về cụm di tích đình - chùa Hà. Ảnh: Hoàng Lân
“Tiền trong các hòm công đức đều được thực hiện kiểm đếm định kỳ dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương cùng những người đang làm việc tại đình-chùa. Số tiền công đức sẽ được giữ lại một phần để chi phí điện, nước và các khoản chi khác theo quy định của Bộ Tài chính, còn lại được gửi ngân hàng. Các khoản chi đều được thực hiện nghiêm theo quy chế đã thống nhất, không để xảy ra việc chi sai, chi không đúng mục đích”, bà Hoàng Thị Đàn cho biết,
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cũng cho biết, mặc dù trên địa bàn quận không có lễ hội lớn nhưng có nhiều điểm di tích thu hút đông đảo người dân đi lễ đầu năm. Do đó, quận cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn. Riêng đối với di tích đình – chùa Hà, quận thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức bảo đảm an toàn, văn minh cho người dân và du khách. Điểm đáng ghi nhận là trong 6 năm qua, phường Dịch Vọng đã làm tốt phân luồng giao thông, các khu vực trông giữ xe không thu phí từ Tết cho đến Rằm tháng Giêng.
![Các khu vực trong cụm di tích được trang trí đẹp mắt, văn minh tạo cảm giác bình yên, thành thơi cho người đi lễ. Ảnh: Hoàng Lân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51460276/e3325b086c468518dc57.jpg)
Các khu vực trong cụm di tích được trang trí đẹp mắt, văn minh tạo cảm giác bình yên, thành thơi cho người đi lễ. Ảnh: Hoàng Lân
Ghi nhận công tác tổ chức, quản lý tại đình – chùa Hà, thay mặt Đoàn kiểm tra, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng đề nghị chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích luôn duy trì, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác hướng dẫn người dân về hành lễ, dâng lễ, thắp hương đúng nơi quy định; duy trì đảm bảo tốt hệ thống phòng cháy chữa cháy; yêu cầu các hộ kinh doanh niêm yết giá công khai.
Ông Bùi Minh Hoàng cũng lưu ý thêm, với khuôn viên khá chật hẹp, lượng du khách lại đổ về đông, Ban quản lý di tích nên có phương án phân luồng hướng đi vào - ra tránh xung đột trong nội bộ di tích. Tăng cường nhắc nhở khách thập phương đến hành lễ thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã trong di tích, giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/binh-yen-chua-ha-trong-ngay-ram-thang-gieng-693012.html