Nỗi đau đáu của các nhà thơ Việt
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025, các nhà thơ đã chia sẻ về trách nhiệm và khát vọng của thi ca Việt hiện nay, đó là việc đi tìm một đỉnh cao thơ mới.
![Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu tại tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ" tổ chức ngày 12/2 trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025. Ảnh: TTXVN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51461410/fd488ca6bce855b60cf9.jpg)
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu tại tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ" tổ chức ngày 12/2 trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025. Ảnh: TTXVN.
Trong khuôn khổ Ngày thơ 2025, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ" tại Ninh Bình hôm 12/2. Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng thơ ca có vị trí trong đời sống ở chỗ con người vịn vào sự tử tế mà thơ ca mang đến.
Thơ ca giúp con người vượt qua trắc trở trong đời sống, nhìn ra vẻ đẹp của đời sống, từ đó chưng cất lên một vẻ đẹp khác mang tính lý tưởng, đưa con người hướng tới lý tưởng đó. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ. "Liệu người nghệ sĩ đã làm đủ trách nhiệm đó hay chưa, có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống không, hay chọn cách đi vòng qua, tránh né bằng sự phù phiếm". Đó là những câu hỏi, trăn trở đặt ra cho người cầm bút hôm nay.
“Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều”
Theo nhà thơ Khuất Bình Nguyên, trong thế kỷ 20, thi ca Việt Nam từng góp phần khắc họa những biến cố lịch sử, những bài thơ có sức sống bất diệt như "Nước Việt Nam từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa" của Nguyễn Đình Thi đã trở thành tư liệu của một dân tộc. Ngược lại, gần đây, thơ dễ dàng bị lãng quên vì không còn những giá trị mang tính cốt lõi, những bài thơ có "ý, có tứ" ngày càng hiếm.
Bên cạnh đó, thơ Việt Nam hiện đại dồi dào về hình thức nhưng thiếu chiều sâu. Nhiều bài thơ chỉ đẹp về ngôn từ nhưng lại hời hợt về nội dung, không đủ làm lay động người đọc.
![Nhà thơ Đặng Huy Giang phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51461410/192b6ac55a8bb3d5ea9a.jpg)
Nhà thơ Đặng Huy Giang phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN.
Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét: "Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ chưa tạo được ấn tượng sâu đậm đã làm giảm đi tác động văn hóa của thi ca. Thậm chí, các đối tượng độc giả trẻ tuổi khó tìm được một bài thơ khiến họ cảm thấy đồng cảm và bỏ thời gian để đọc”.
Xu hướng "mủi lòng", "rên rỉ" và sự bế tắc trong sáng tác thơ ca ngày càng rõ nét. Nhiều nhà thơ sa đà vào viết về nỗi đau cá nhân mà quên mất rằng thơ ca cần phản chiếu cả những giá trị xã hội, thời đại.
“Tôi khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ, bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ; có trường hợp cảm thấy thơ bây giờ trừu tượng và rời xa với đời sống con người quá; cũng có trường hợp quan tâm và cảm nhận được thơ nhưng vì mưu sinh mà không còn thời gian để đọc”, nhà thơ Nguyên Như bày tỏ.
Các nhà thơ cho rằng để thơ Việt Nam không lạc hậu, một sự cải tổ về nội dung và tư duy sáng tác là cần thiết. Trong đó, việc bám sát đời sống là yếu tố cốt lõi.
Thơ Việt đổi mới để vươn ra biển lớn
Nhiều đại biểu đã chỉ ra giá trị cốt lõi của một bài thơ là khả năng lay động, tạo sự đồng cảm với độc giả. Vì vậy sự cách tân trong thơ không được xa rời đời sống.
Nhờ thơ Lữ Hồng cho rằng thơ ca có thể mang lại cho con người một thế giới nội tâm phong phú hơn, giúp họ kết nối với chính mình và với những người xung quanh.
Cây viết trẻ Trần Việt Hoàng cũng chia sẻ khao khát thể hiện những xúc cảm chân thực của bản thân trước đời sống, để từ đó độc giả có thể thấu hiểu và đồng điệu với những câu chuyện tâm hồn trong thơ.
![Chương trình văn nghệ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025 tại Ninh Bình ngày 12/2. Ảnh: TTXVN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51461410/69751d9b2dd5c48b9dc4.jpg)
Chương trình văn nghệ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025 tại Ninh Bình ngày 12/2. Ảnh: TTXVN.
Trong khi đó, nhà thơ Phùng Hương Ly xem viết là một hành trình lao động sáng tạo nghiêm túc, nơi thơ ca là phương thức để đối thoại với thế giới, khơi gợi những suy tư và cảm xúc trong lòng người đọc. Điều này cho thấy, thơ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó chạm đến trái tim độc giả, trở thành một phần của cuộc sống và suy nghĩ của họ.
Cùng với yêu cầu về sự cách tân, thơ Việt cũng cần một chiến lược bài bản để vươn ra biển lớn. Việc lan tỏa thơ ca đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về dịch thuật và quảng bá.
Nhà thơ Nguyên Như phát biểu: “Các nhà thơ cần phải đối xử với thơ bằng cả tâm hồn mình, mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm tới nhiều độc giả nước ngoài hơn".
Nhà thơ Hà Phạm Phú cũng đưa ra góc nhìn rằng văn chương nói chung và thơ ca nói riêng không thể chỉ bám víu vào những giá trị truyền thống mà phải biết cách thay đổi để phù hợp với thời đại.
“Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội”, nhà thơ Hà Phạm Phú dẫn từ tham luận.
Thơ Việt đang trên hành trình đổi mới với nhiều hướng đi giàu tiềm năng. Tư duy hiện đại, chiều sâu suy tưởng và sự gắn kết với đời sống là những yếu tố quan trọng giúp thơ ca tiếp tục phát triển.