Bình yên Khâu Đấng

Thôn Khâu Đấng ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đang là điểm đến thu hút du khách phương xa.

Ngôi làng yên bình giữa lưng núi với 36 nóc nhà là nơi cư ngụ của 202 cư dân (100% đồng bào dân tộc Sán Chỉ). Khâu Đấng cách trung tâm thành phố Bắc Kạn chưa đầy một trăm cây số.

Du khách xem phụ nữ Sán Chỉ ở Khâu Đấng dệt vải.

Du khách xem phụ nữ Sán Chỉ ở Khâu Đấng dệt vải.

Bức tranh tươi đẹp

Từ trung tâm xã men theo chân núi lên đến thôn Khâu Đấng khoảng 2km, từ đây có thể quan sát toàn bộ khu vực trung tâm huyện. Ngay từ đầu thôn đã xuất hiện những ngôi nhà rộng lớn được lợp mái ngói âm dương, phảng phất dấu ấn thời gian.

Theo chân Trưởng thôn Khâu Đấng Hoàng Văn Thành, nghe anh giới thiệu về thôn, chúng tôi mường tượng về một bức tranh thêu đẹp đẽ, những gam màu của bốn mùa tạo nên một Khâu Đấng hiền hòa, cuốn hút, bốn mùa căng tràn sức sống. Ấy là sắc tím của hoa tam giác mạch, ánh trắng bạc của mùa nước đổ, màu xanh của mạ non, màu vàng óng mượt khi mùa lúa chín, cùng những thửa ruộng bậc thang mềm mại, những cọn nước như bản nhạc núi rừng...

Từ vài năm trước, thôn Khâu Đấng được xác định trở thành thôn du lịch cộng đồng và được huyện Pác Nặm dành nguồn lực đầu tư cho đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội. Theo dự kiến, thôn Khâu Đấng sẽ được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là nguồn lực to lớn để người dân Khâu Đấng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống kết hợp làm du lịch cộng đồng.

Khâu Đấng đẹp tựa như một bức tranh, một phần do thiên tạo, còn lại nhờ sự đồng lòng, chung sức của bà con nơi đây. Họ đã tạo dựng nét đẹp văn hóa, ứng xử, cải tạo cảnh quan, môi trường hài hòa.

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố Hà Việt Phương cho biết: “Đảng ủy, chính quyền địa phương chọn thôn Khâu Đấng là thôn du lịch cộng đồng bởi Khâu Đấng có nhiều tiềm năng thiên nhiên, văn hóa. Đồng bào sinh sống tại đây chủ yếu là dân tộc Sán Chỉ, có nhiều phong tục tập quán đặc trưng. Thế hệ trẻ của thôn có tư duy tiến bộ trong phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch như Lễ hội khai xuân dân tộc Sán Chỉ lần thứ 3 năm 2025 và các lễ hội truyền thống khác nhằm thu hút du khách đến với Khâu Đấng...”.

Người dân Khâu Đấng luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày và các lễ hội truyền thống. Từ khi huyện có chủ trương tập trung phát triển thôn trở thành điểm tham quan du lịch, bà con trong thôn đồng lòng làm đường, tu sửa nhà cửa, trồng hoa và cây xanh, góp phần làm nên diện mạo tươi đẹp cho bản làng.

Đời sống của bà con thôn Khâu Đấng hoàn toàn dựa vào 7ha đất nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là ngô, lúa và các loại cây ăn quả ngắn ngày. Ở đây, nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng các loại rau theo mùa. Những luống rau nhỏ xinh, xanh tươi đầy sức sống là hiện thân của đất đai ngọt lành.

“Nhịp đập” văn hóa truyền thống

Đến thăm ngôi nhà của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cầu, chúng tôi được nghe ông nói chuyện ngay giữa gian nhà sàn - nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều thế hệ, đã chứng kiến những điệu múa mặt nạ, những nghi lễ truyền thống và giờ đây vẫn vang lên âm thanh dệt vải, quyện trong hương rượu ngô và làn khói bếp củi len lỏi qua mái ngói âm dương.

Theo lời nghệ nhân Hoàng Văn Cầu, phụ nữ Sán Chỉ không những đi nương, làm ruộng mà còn cặm cụi se lanh dệt vải, may vá trang phục dân tộc và hát lượn mỗi khi xong việc đồng áng. Mỗi dịp lễ, tết họ lại khéo léo làm những thứ bánh thơm ngon như bánh đường, bánh giầy, bánh chuối... Con trai từ 10 tuổi trở lên khi đã được cấp sắc (lễ trưởng thành) sẽ được tham gia múa mặt nạ gỗ (hay mặt nạ quỷ) trong mỗi dịp lễ tết, lễ mừng đầy tháng, lễ trưởng thành, cầu mùa, cầu bình an. Bản sắc văn hóa của ông cha xưa truyền lại qua bao đời, nay con cháu ở Khâu Đấng tiếp tục gìn giữ và kế tục.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Dung chia sẻ: “Du lịch ở Khâu Đấng giúp phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chỉ qua trải nghiệm văn hóa, lễ hội, trang phục, ẩm thực... Qua đây, khách du lịch không chỉ được tiếp cận với nền văn hóa mới mà chính những người dân bản địa cũng được trải nghiệm nền văn hóa khác thông qua giao tiếp, phục vụ khách du lịch”.

Sau một ngày hít căng bầu không khí trong lành ở Khâu Đấng, khi hoàng hôn buông đỏ lựng phía chân núi, chúng tôi về nhà anh Món nghỉ ngơi. Mùi cơm xôi tỏa ngào ngạt khắp gian nhà. Chiếc nồi đồng hình tròn vần cạnh bếp được mở ra, mùi thức ăn hấp dẫn. Chúng tôi quây quần quanh bếp vuông rực lửa, bên trên gác những tảng thịt hun khói đã dần khô và ngả màu đen.

Hôm nay, nhà anh Món đón khách phương xa, gian nhà bỗng trở nên rộn ràng, ấm cúng hơn thường lệ. Anh em trong thôn đến chung tay làm cơm và tiếp khách. Người già và phụ nữ hầu hết đều mặc trang phục của dân tộc mình. Dù họ kiệm lời nhưng qua cử chỉ và ánh mắt có thể thấy được ở họ sự hiền hậu và mến khách. Sau lời mời chân tình của chủ nhà, chúng tôi cùng mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm. Từng món ăn lần lượt được bày ra, nào cá nướng, gà đồi, măng luộc, rau thơm và không thể thiếu chút rượu ủ bằng men lá nồng nàn, đủ hồng đôi má.

Xen lẫn giữa tiếng nói cười, chúc tụng là những câu hát lượn do các cô, các chị trong thôn cất lên, thể hiện niềm vui và mong ước tốt lành. Chị Hà An, du khách đến từ Hà Nội cầm điện thoại ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ và chia sẻ với chúng tôi: “Lần đầu lên Khâu Đấng mà tôi thấy cứ như ở nhà vì bà con dễ mến, thân thiện. Đây cũng là điểm thư giãn lý tưởng sau những âu lo đời thường. Tôi dành một ngày để khám phá về thiên nhiên, văn hóa nhưng dường như chưa đủ, có lẽ còn một lời hẹn nữa với người dân và mảnh đất này...”.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/binh-yen-khau-dang-678205.html