Bình yên vùng cao Hoài Ân

Huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) có 3 xã vùng cao là Ðak Mang, Bok Tới, Ân Sơn - nơi đa số dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhờ gần dân, bám cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, lực lượng Công an 3 xã luôn giữ vững an ninh địa bàn.

Đại úy Nguyễn Tuấn Vũ- Trưởng Công an xã Bok Tới ghi nhận tình hình ANTT từ người dân thôn T5.

Đại úy Nguyễn Tuấn Vũ- Trưởng Công an xã Bok Tới ghi nhận tình hình ANTT từ người dân thôn T5.

Gần dân, sát dân, nắm chặt địa bàn

Xã Bok Tới có 5 thôn với 553 hộ/1.894 nhân khẩu, trong đó đồng bào Ba Na chiếm 94% dân số. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình ANTT ở đây luôn đảm bảo, đặc biệt không xảy ra phạm pháp hình sự. Có được kết quả này là nhờ lực lượng Công an xã nỗ lực chủ động phòng ngừa tội phạm.

Đầu năm 2024, tại một số thôn manh nha tình trạng thanh thiếu niên tụ tập ăn nhậu, chạy xe máy nẹt pô, một số người dân còn lén dùng súng săn tự chế… Ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật, Công an xã chủ động răn đe, cảm hóa 19 thanh thiếu niên, thu giữ 7 pô xe tự chế; vận động nhân dân giao nộp 13 khẩu súng săn tự chế.

Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Vũ- Trưởng Công an xã Bok Tới, 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị phối hợp các đơn vị tổ chức 7 buổi tuyên truyền với gần 1.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, thông qua 7 mô hình tự quản về ANTT, đơn vị vận động bà con chấp hành chủ trương, pháp luật, chung tay giữ gìn trật tự thôn xóm.

"Cán bộ Công an xã hay về thôn, đến tận nhà giúp bà con làm giấy tờ, chỉ cách dùng điện thoại đời mới, nhắc bà con cảnh giác bọn lừa đảo. Trong thôn có chuyện gì mình báo lên đều được tiếp nhận, giải quyết kịp thời nên tình hình luôn yên ổn", ông Đinh Bá Nhơn, người có uy tín ở thôn T5, xã Bok Tới tâm tình.

Ở xã Đak Mang, 9 tháng đầu năm nay chỉ xảy ra 1 vụ vi phạm pháp luật, tuy nhiên chỉ ở mức độ xử phạt hành chính và đối tượng vi phạm là người từ địa phương khác tới.

Tại xã Đak Mang vấn đề nổi cộm về ANTT vài năm trở lại đây lại liên quan đến việc chăn thả trâu, bò. Xã chỉ có 402 hộ nhưng đàn gia súc lên đến gần 2.000 con. Trong giai đoạn 2022 - 2023, số trâu bò thả rông trên núi của bà con gây thiệt hại đến rừng trồng của các doanh nghiệp và người dân xã Ân Hữu, gây rất nhiều phàn nàn từ các "bị hại".

Thiếu tá Đinh Văn Hê- Trưởng Công an xã Đak Mang cho biết, Công an xã phối hợp các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tổ chức các buổi tuyên truyền, đến từng nhà vận động, giúp bà con nhận thức được cái lợi, cái hại để bỏ thói quen thả rông trâu, bò.

"Mình có 7 con trâu, 9 con bò. Trước đây mình thường để trên núi nên nó đi lung tung, ăn phá rẫy rừng người ta. Hơn một năm nay mình đưa trâu bò về nhà, vừa dễ quản lý mà chăm sóc cũng tốt hơn", chị Đinh Thị Thoen (thôn 6, xã Đak Mang) chia sẻ.

Hơn một năm qua, bà con thôn 6 còn được nâng cao ý thức đề phòng "giặc lửa" khi Công an xã triển khai mô hình "Khu dân cư an toàn PCCC". Từ thực tế không nhà nào có bình chữa cháy, nhờ sức lan tỏa từ mô hình, giờ gần một nửa số hộ dân trong xã đã được trang bị bình chữa cháy.

Kịp thời giải quyết vụ việc phát sinh

Ở xã Ân Sơn, nhờ chủ động nắm bắt tình hình và khéo léo trong công tác dân vận, tháng 4-2024, Công an xã hóa giải được vụ mâu thuẫn giữa hai hộ dân liên quan đến nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Trước đó, hồi đầu tháng 7-2023, giữa hộ ông Đ.V.C. và hộ bà Đ.T.B. (người đồng bào H're, ở thôn 1) xảy ra bất đồng từ việc tranh chấp đất đai. Sau buổi cãi vã chừng 10 ngày, bà B. thấy đau rát ở cổ, đi khám bác sĩ kết luận bị bệnh tuyến giáp. Nhiều ngày uống thuốc không bớt, bà B. đi xem bói thì được phán bị "yểm bùa". Cho rằng ông C. hại mình, bà yêu cầu người hàng xóm phải có trách nhiệm chữa bệnh, nếu không sẽ trả thù. Hoảng sợ, ông C. trình báo Công an xã và chính quyền.

Thiếu tá Đinh Văn Tuy- Trưởng Công an xã Ân Sơn cho hay, Công an xã một mặt theo dõi sát vụ việc, kịp thời ngăn chặn các tình huống xấu có thể xảy ra, một mặt thường xuyên thăm hỏi, động viên, phối hợp với tổ hòa giải, hội đoàn thể vận động, hàn gắn hai bên. Đồng thời tham mưu chính quyền làm rõ vấn đề ranh đất, từng bước xóa bỏ bất đồng. Qua thời gian kiên trì thuyết phục, hai bên đã bắt tay làm hòa.

Theo Thượng tá Lê Hồng Phương- Phó trưởng Công an huyện Hoài Ân, với đặc thù vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với Công an 3 xã là chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, đồng thời đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hiện tại 3 xã đang thực hiện 9 mô hình về ANTT, trong đó trọng tâm hướng tới "3 không" (không để Fulro, Đề Ga móc nối hoạt động; không để tuyên truyền phát triển đạo trái phép, không để phục hồi các tập tục lạc hậu).

N.C

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/binh-yen-vung-cao-hoai-an-post303219.html