Bình yên Xuân Thắng

Xuân về tỏa hương ngọt ngào khắp đất trời, muôn nơi hân hoan đón chào một năm mới. Nơi rẻo cao xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, bản người Dao Xuân Thắng ngập tràn không khí Xuân, bà con rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Một góc khu tái định cư bản Dao Xuân Thắng

Rời thị trấn Yên Lập nhộn nhịp, vượt hơn 20 cây số theo hướng núi Nhà Xe, núi Đỗng, chúng tôi tìm đến bản người Dao Xuân Thắng để khám phá sắc Xuân và phong tục đón Tết đậm đà bản sắc của dân tộc Dao. Trong nắng sớm, khu tái định cư bản Dao nằm trên một quả đồi nhỏ như hình một con rùa, xung quanh có núi Đẫng, núi Chim, núi Nhà Xe, Khe Nai, khe Thuốc, khe Mán Đồng và những cánh rừng nguyên sinh bao bọc.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, Bí thư Chi bộ Phùng Sinh Lợi vui vẻ cho biết, bản Dao Xuân Thắng được thành lập từ năm 1968, khi Đảng, Nhà nước có cuộc vận động người Dao sống du canh du cư bên những sườn núi cao ở Trung Sơn, Xuân An, Nga Hoàng (huyện Yên Lập) hay Văn Chấn, Yên Bái “hạ sơn” lập bản. Từ 10 hộ ban đầu, sau hai lần chuyển chỗ ở do sạt lở đất, bản Dao Xuân Thắng hiện có 37 hộ, 133 khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 86,3%, còn lại là các dân tộc: Mường, Thái, Kinh.

Thác Dùng như dải lụa mềm chảy suốt bốn mùa

Những năm đầu định canh, định cư, mặc dù được chia ruộng, chia rừng nhưng do không biết thâm canh nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1992, sau các đợt được bộ đội và cán bộ huyện, tỉnh về làm công tác dân vận, cùng khai hoang, phục hóa, chuyển giao kỹ thuật, bà con biết canh tác lúa nước, lúa nương, biết làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê, đời sống đồng bào bản Dao dần ổn định. Những năm sau đó, dự án 327, dự án 661 đầu tư vốn, giống, kỹ thuật để bà con trồng rừng. Đến nay, ngoài 5ha lúa nước và tận dụng những khu đồi thấp ven suối làm ruộng bậc thang trồng nếp nương, 37/37 hộ ở bản Dao đều có rừng trồng keo, bồ đề và mấy năm gần đây phát triển thêm trồng quế. Nhà ít cũng có 4-5ha rừng, nhà nhiều như hộ ông Dương Trung Khánh, Triệu Đức Hội… có hơn 10ha.

Cùng với làm ruộng, chăn nuôi, trồng rừng, bà con bản Dao còn phát triển nghề làm thuốc Nam, nhiều hộ chuyên lấy lá thuốc làm nước tắm, ngâm chân bán cho khách du lịch và cung cấp cho các bệnh viện y học cổ truyền, các cơ sở tắm nước lá thuốc người Dao trong, ngoài khu vực. Hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân Xuân Thắng đạt 30,5 triệu đồng/người/năm, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% đường giao thông trong bản được cứng hóa, 100% trẻ em được đến trường, tỉ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 100%, tỉ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trên 50% số hộ trong khu đã lắp đặt internet để cập nhật tri thức, kỹ thuật sản xuất, tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới đạt 9/13 tiêu chí...

Tại nhà ông Dương Đức Thành – Tộc trưởng dòng họ Dương của người Dao trong vùng, không khí Tết đã về. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bà Triệu Thị Thao đang dạy con gái cả, con dâu út và mấy cô cháu gái thêu hoa văn người Dao lên váy áo và mang những bộ quần áo dân tộc mới ra phơi nắng, ướm thử lại sao cho vừa đẹp nhất để mặc chơi Tết. Khung cảnh rôm rả xua tan đi giá lạnh cuối Đông.

Rót chén chè Shan tuyết được hái trên rừng về và tự sao theo phương thức truyền thống mời khách, già Dương Đức Thành phấn khởi cho biết: Đối với người Dao, Tết Nguyên đán là Tết lớn trong năm và có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả, dịp để báo với tổ tiên về những thành quả trong năm, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới mà còn là dịp gắn kết tình đoàn kết anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng. Người con xa quê dù ở nơi đâu, cứ đến Tết là lại cùng nhau trở về với gia đình sum họp, chúc tụng nhau một năm mới làm ăn thuận lợi hơn.

Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, các thầy tạo (thầy cúng), những già làng tổ chức dạy chữ nho đầu Xuân cho thế hệ trẻ và người dân của bản. Việc dạy chữ vừa thể hiện truyền thống hiếu học, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của những người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ để chữ viết, văn hóa của dân tộc mãi được gìn giữ và phát huy. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19, năm nay hộ ông Triệu Đức Hội vừa tổ chức Tết nhảy, ngoài ra, mấy hộ khác thuộc họ Triệu, họ Phùng, họ Dương của bản cũng đang tích cực chuẩn bị để ra Giêng làm lễ cấp sắc cho những người con trai của họ.

Dòng Ngòi Lao với nhiều thác ghềnh và những bãi đá trải dài phù hợp phát triển du lịch sinh thái, cắm trại, trải nghiệm bản sắc văn hóa bản Dao.

Tiếp thêm câu chuyện về Tết người Dao của chồng, bà Triệu Thị Thao cho biết: Trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong bản đã chuẩn bị lợn Tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị ba đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt ba ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm.

Theo tục lệ của người Dao, các gia đình sẽ hoàn thành mọi công việc chuẩn bị Tết trước thời khắc giao thừa để khi bước sang năm mới họ sẽ “kiêng” ba ngày không đi nương rẫy. Trong những ngày này, từ đầu làng đến cuối làng, nhà nào cũng có một đống lửa để sưởi ấm ở sân, phụ nữ thì ngồi xung quanh chuyện trò và thêu áo, đàn ông uống rượu, đổi chén chúc tụng nhau rồi lần lượt đi từng nhà để chúc Tết, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Tại các bãi đất trống trong làng, thanh niên và trẻ em tập trung cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như ném còn, chơi cù, đá cầu, nhảy dây… Đến ngày hội Xuân của xã, của huyện, bà con trong bản kéo nhau đi trẩy hội. Sau khi kết thúc hội Xuân vào ngày 15 tháng Giêng, mỗi nhà đều làm mâm cỗ thắp hương cúng, đốt tiền vàng để kết thúc những ngày vui chơi và bắt tay vào mùa lao động sản xuất mới.

Về Xuân Thắng những ngày giáp Tết, bức tranh no ấm của bản Dao đã thêm những gam màu tươi mới, đồng bào dân tộc Dao chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội. Hưởng ứng đề án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái của huyện Yên Lập, người dân bản Dao Xuân Thắng đang lên ý tưởng làm ruộng bậc thang bên sườn núi Mán Đồng và thung lũng khe Thuốc để trồng nếp nương, trồng hoa, làm du lịch cộng đồng. Đội văn nghệ dân gian người Dao Xuân Thắng mới được thành lập cũng đang tích cực luyện tập các điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là múa Chuông, múa Rùa đặc sắc của người Dao quần chẹt để phục vụ các nghi lễ truyền thống của đồng bào và tham gia các các lễ hội trong khu vực.

Bà Triệu Thị Thao truyền dạy kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao cho con gái, con dâu

Nghề dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, thêu hoa văn lên trang phục truyền thống của đồng bào người Dao do bà Triệu Thị Thao và các bà, các mẹ trong bản truyền dạy đang ngày càng thu hút thêm nhiều lớp trẻ tham gia. Sau khi những “mỏ vàng” về du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực của người Mường, người Dao xã Mỹ Lung, vẻ đẹp bình yên của cánh đồng nếp Gà gáy Mỹ Lung, sự hùng vĩ, nên thơ của thác Quạt, thác Dùng, sự dữ dội của dòng Ngòi Lao với nhiều thác ghềnh và những bãi đá trải dài… được chương trình Việt Nam “Miền quê tươi đẹp” của Đài Truyền hình Việt Nam và chuyên mục “Phong vị Đất Tổ” của Báo Phú Thọ điện tử “đánh thức”, lượng du khách tìm về Mỹ Lung ngày càng nhiều.

Riêng với tôi, dù đã qua nhiều bản Mường, bản Dao, đã tham gia nhiều đoàn Famtrip khảo sát, trải nghiệm du lịch nhưng mỗi lần trở về Xuân Thắng lại thấy bản Dao đang đổi mới từng ngày. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các món ngon và địa điểm vui chơi cùng nét văn hóa đặc trưng, nơi đây đã trở thành một vùng quê đáng ở, đáng thăm, một cộng đồng dân cư người Dao giàu bản sắc, sống đoàn kết, yên bình nơi thung lũng mù sương dưới chân núi Đẫng, núi Chim, núi Nhà Xe, Khe Nai, khe Thuốc, Mán Đồng…

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/binh-yen-xuan-thang/190367.htm