Bitcoin có khả năng hình thành mô hình hai đỉnh, Ethereum đối mặt với thách thức
Biểu đồ Bitcoin trong thời gian gần đây thể hiện một mô hình hai đỉnh thu hút sự chú ý của giới chuyên gia. Ethereum chứng kiến vốn hóa thị trường tăng 85% vào năm 2023 nhưng vẫn vật lộn với một thách thức quan trọng làm suy yếu lợi thế cạnh tranh…
Mô hình hai đỉnh (double-top formation) là một động thái rất đáng chú ý vì nó thường báo hiệu đảo chiều sau một xu hướng tăng mạnh, cho thấy rằng sự bứt phá gần đây của Bitcoin trên thị trường có thể sớm phải đối mặt với một thời điểm quan trọng.
Mô hình hai đỉnh xảy ra khi giá của một tài sản đạt đến điểm cao, thoái lui nhẹ và sau đó tăng trở lại mức cao trước đó nhưng không thể vượt cao hơn nữa, tạo ra hai đỉnh riêng biệt ở mức giá tương tự.
Đối với Bitcoin, vốn đang trên một quỹ đạo đi lên đáng kể, mô hình hai đỉnh có thể đang chỉ ra rằng động lực của đồng tiền kĩ thuật số có giá trị nhất thế giới đang bị đình trệ.
Sau bước đột phá trên 41.000 USD, có nhiều kỳ vọng rằng Bitcoin sẽ tiếp tục tăng lên tới 43.000 USD. Tuy nhiên, việc không thể vượt qua và duy trì mức cao hơn này có thể báo hiệu sự giảm giá và Bitcoin có thể phải điều chỉnh nếu mô hình hai đỉnh được xác nhận.
Ý nghĩa của mô hình hai đỉnh đang diễn ra là khả năng về xu hướng thoái lui của giá Bitcoin. Thông thường, mô hình hai đỉnh được xác nhận sẽ có khả năng kiểm tra lại các mức hỗ trợ thấp hơn vì mô hình này thường dẫn đến sự đảo ngược xu hướng tăng trước đó. Đối với các nhà giao dịch và nhà đầu tư, điều này có nghĩa là một giai đoạn củng cố hoặc thậm chí là một giai đoạn giảm giá ngắn hạn trước khi có bất kỳ chuyển động tăng giá nào tiếp theo.
Nếu mô hình hai đỉnh không được xác nhận và Bitcoin tìm thấy sức mạnh để vượt qua ngưỡng kháng cự 43.000 USD, nó có thể tạo tiền đề cho những đợt bứt phá ấn tượng hơn. Thị trường tiền điện tử nổi tiếng với sự biến động và các mô hình rất dễ bị vô hiệu hóa do sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư hoặc các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Ở một khía cạnh khác, lĩnh vực khai thác tiền điện tử đang phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận đáng kể cho những thợ đào. Từ đó dẫn đến sự phục hồi ở cổ phiếu của những công ty khai thác bitcoin, phản ánh sự nhiệt tình chung đối với tài sản vàng kỹ thuật số này. Lợi nhuận của lĩnh vực khai thác thường là thước đo cho sức khỏe thị trường của Bitcoin, cho thấy các nguyên tắc nền tảng vẫn mạnh mẽ bất chấp những đợt giảm giá kỹ thuật tiềm ẩn.
Loại tiền điện tử có giá trị thứ hai, Ethereum trong năm qua đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng 85%. Mặc dù mức tăng trưởng này là đáng kể nhưng thực tế nó hoạt động kém hơn một chút so với các tài sản lớn khác trong không gian blockchain.
Bên cạnh đó,bất chấp những nâng cấp được mong đợi, Ethereum vẫn đối mặt với một thách thức quan trọng làm suy yếu lợi thế cạnh tranh: khả năng mở rộng Lớp 1 (Layer 1 - L1).
Các vấn đề về khả năng mở rộng và phí giao dịch cao của L1 của Ethereum đã kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của hệ sinh thái DeFi.
Mặc dù Ethereum từ lâu đã là nền tảng hàng đầu cho các ứng dụng phi tập trung, nhưng việc không có khả năng mở rộng quy mô hiệu quả đã dẫn đến mức phí cắt cổ và thời gian giao dịch chậm chạp, gây thất vọng cho cả nhà phát triển và người dùng thông thường.
Trong khi đó, đồng tiền ảo Solana lại ghi nhận những bước tiến đáng kể, tự hào với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với Ethereum. Với lời hứa về thông lượng cao và chi phí giao dịch thấp, Solana đang nhanh chóng thu hút được sự chú ý rộng rãi hơn. Điều này đã cho phép Solana giành được thị phần đáng kể, định vị mình là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Ethereum.