Bloomberg: Đức thúc giục Mỹ cấp thêm tổ hợp Patriot cho Ukraine
Đức cam kết sẽ gửi khẩu đội Patriot thứ 3 tới Ukraine và 6 khẩu đội nữa sẽ sớm được các quốc gia thành viên EU khác chuyển giao.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thúc giục Mỹ cung cấp thêm ít nhất 1 tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu thu hẹp khoảng cách phòng không trong cuộc xung đột với Nga, hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm 23/4.
Theo nguồn tin của Bloomberg, chiến dịch gây áp lực của Berlin nhằm vào Washington là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm thuyết phục các đối tác NATO và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường hỗ trợ Ukraine về phòng không. Đức cũng sẽ tiếp tục thúc ép các đồng minh châu Âu trong tuần này, bao gồm cả Pháp và Italy, để xem những gì họ có thể cung cấp cho Kiev.
Động thái này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Đức về cung cấp vũ khí cho Ukraine. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hơn 2 năm trước, Berlin thường xuyên bị chê trách vì trì hoãn việc cung cấp vũ khí.
Thủ tướng Scholz cho đến nay vẫn duy trì quan điểm phản đối việc gửi tên lửa tầm xa Taurus tới tiền tuyến, cho rằng việc chuyển giao loại vũ khí này có nguy cơ khiến Đức trở thành một bên tham chiến.
Tuy nhiên, ông Scholz đã dẫn đầu nỗ lực gửi thêm Patriot và các hệ thống phòng không khác tới Ukraine khi cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của quốc gia Đông Âu đang oằn mình trước các cuộc tấn công.
Tuần trước ông Scholz tuyên bố Đức sẽ gửi khẩu đội Patriot thứ 3 tới Ukraine và 6 khẩu đội nữa sẽ sớm được các quốc gia thành viên EU khác chuyển giao.
Đối với Quân đội Đức, 3 tổ hợp Patriot tương đương với 1/4 kho vũ khí của nước này, một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với Mỹ. Các phần cứng khác mà Berlin đang yêu cầu chuyển giao bao gồm hệ thống đất đối không Samp/T, tên lửa NASAMS và Hawk, hệ thống Iris-T cũng như các bộ phận và nguồn tài trợ để hỗ trợ những nỗ lực đó.
Đầu tháng này, Kiev đã yêu cầu các đồng minh cung cấp thêm ít nhất 7 hệ thống Patriot, nhưng cho đến nay chỉ nhận được cam kết của Đức.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Scholz tìm cách gây áp lực với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ Đức đã ra lệnh chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 với điều kiện là Washington sẽ đóng góp xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất. Sau những lưỡng lự ban đầu, Chính quyền Biden cuối cùng đã đồng ý chuyển giao phương tiện bọc thép hạng nặng hiện đại này.
Ngoài ra, các quan chức NATO đã liên hệ với các nhà sản xuất để thảo luận các cách nhằm tăng tốc độ giao hàng và tăng cường sản xuất máy bay đánh chặn, một nguồn tin khác của Bloomberg cho biết. Các đồng minh cũng đang khám phá việc tái chứng nhận các tên lửa Patriot cũ hoặc hết hạn sử dụng cũng như khả năng tái sử dụng các khẩu đội hiện đang được sử dụng cho mục đích huấn luyện.
Minh Đức (Theo Bloomberg)