Bloomberg: Italy cân nhắc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường

Nước này là quốc gia duy nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đăng ký tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.

Các mặt hàng của Italy được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Các mặt hàng của Italy được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Dẫn các nguồn tin ngày 22/4, trang Bloomberg đưa tin Italy có thể rút khỏi BRI trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai siêu cường thế giới là Washington và Bắc Kinh.

Italy là quốc gia duy nhất trong G7 ký biên bản ghi nhớ (MOU) sáng kiến với Bắc Kinh và theo kế hoạch thì bản ghi nhớ này sẽ hết hiệu lực vào năm tới.

Theo các nguồn tin, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni muốn có một thông báo về việc tham gia BRI của Italy trước hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, hiện câu hỏi liệu MOU nên được hủy bỏ hay gia hạn vẫn chưa được quyết định.

Các nguồn tin thừa nhận ngay trong chính quyền của Thủ tướng Meloni cũng xuất hiện chia rẽ về tương lai của thỏa thuận. Trong khi đảng Anh em của nữ Thủ tướng ủng hộ việc rút lui thì những người khác vẫn đang hối thúc Italy ở lại. Trước khi đắc cử, nữ lãnh đạo đã gọi thỏa thuận với Trung Quốc là một “sai lầm lớn”, nhưng gần đây những phát ngôn của bà về BRI đã thận trọng hơn.

Biên bản ghi nhớ ban đầu được ký vào năm 2019 và sẽ tự động được gia hạn vào tháng 3 năm 2024, ngoại trừ trường hợp Thủ tướng Meloni quyết định rút khỏi. Mặc dù bản thân thỏa thuận này không khiến sự hợp tác giữa Italy và Trung Quốc trở nên sâu đậm hơn, nhưng các nhà phân tích cảnh báo việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế và ngoại giao cũng như làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước.

Hiện Italy là nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn thứ ba tại Liên minh châu Âu (EU) và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư sang nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Italy Jia Guide cho biết thương mại giữa hai quốc gia trong ba năm qua đã lập kỷ lục mới, chạm mức 73,5 tỷ euro vào năm 2022.

Italy ngày càng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn bởi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh. EU là một đồng minh trung thành của Mỹ những cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực công nghệ nhằm vào Trung Quốc và kêu gọi châu Âu làm theo tương tự.

“Italy đang bị mắc kẹt giữa một tình thế khó khăn và rất khó đưa ra quyết định. Phải làm gì với hiệp ước hợp tác là một câu hỏi ngoại giao hóc búa thực sự đối với bà Meloni. Nếu Italy tiếp tục gia hạn, nước này sẽ khó ăn nói với Mỹ. Nhưng không gia hạn thì lại gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc”, bà Francesca Ghiretti, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nói với Bloomberg.

“Hiện tại, có vẻ như chính phủ Italy đang nghiêng về việc không gia hạn hiệp ước, nhưng trong tình hình này, điều quan trọng là phải phối hợp với Mỹ và các đồng minh khác để ứng phó trước một phản ứng có thể xảy ra từ phía Trung Quốc”, nữ chuyên gia kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bloomberg-italy-can-nhac-rut-khoi-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-20230424062319660.htm