Bloomberg Opinion: Việt Nam tăng trưởng 7%, nhưng còn có thể làm tốt hơn
Bloomberg Opinion vừa có bài viết nhận định mục tiêu tăng trưởng 7% năm nay là khiêm tốn, và điểm nghẽn tăng trưởng của Việt Nam nằm ở hạ tầng giao thông.
Việt Nam đang tạo tiếng vang. Các công ty toàn cầu từ Samsung Electronics Co cho tới Lego Group đang mở các công xưởng quy mô khủng tại đây. Apple Inc trong quá trình thảo luận để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBooks tại quốc gia Đông Nam Á này, trong khi các hãng công nghệ lớn từ Đài Loan và Trung Quốc không ngừng tranh giành nhân tài tại địa phương.
Chính phủ Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay – khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 2 con số của Trung Quốc trong giai đoạn đầu những năm 2000. Thực tế, Việt Nam có thể làm tốt hơn nhiều.
Hiện tại, dù việc dịch chuyển chuỗi cung ứng – sản xuất đang diễn ra và các sản phẩm công nghệ cao, có lợi thế lớn đang dịch chuyển tới Việt Nam nhưng tốc độ còn chậm. Điểm nghẽn ở đây chính là hạ tầng kém.
Đất nước hình chữ S vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ - những con đường có thể chật hẹp, đông nghịt và không bằng phẳng – để vận chuyển tới 3/4 lượng hàng hóa 90% lượng hành khách.
Trong khi đó, không phải tất cả các cảng biển có thể đón được tàu tải trọng lớn. Để so sánh, ngay cả khi Thượng Hải đang phong tỏa vì đại dịch Covid, cảng Ninh Ba gần đó vẫn tiếp tục hoạt động và xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù nâng cấp hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ là một trong những chủ trương được ưu tiên, nhưng quá trình này vẫn diễn ra chậm. Việc xây dựng các dự án Cao tốc Bắc Nam, được xem là xương sống tương lai của vận chuyển chậm tiến độ, trong khi chi phí gia tăng.
Không chỉ các nhà xuất khẩu – vốn phải chịu chi phí vận tải cao – gặp khó khăn với hạ tầng, mà ngành dịch vụ cũng chung nỗi khổ. Các dự án bì trì hoãn kéo dài với không ít “câu chuyện” trở nên nổi tiếng. Ví dụ, dự án xây dựng metro đầu tiên tại TP.HCM bắt đầu từ năm 2012, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018, nhưng hiện thời hạn đã đẩy lên năm 2023. Các dự án đường vành đai quanh thành phố được lên kế hoạch từ hơn một thập kỷ trước cũng trì hoãn nhiều lần.
Điều này tất nhiên ảnh hưởng nhiều tới kinh tế - xã hội. Dự án Grand Park của Vinhomes JSC rất thu hút, có trường học cho dân cư. Nhưng mỗi lần thủy triều lên hay sau cơn mưa lớn, người dân từ khu này không thể đi tới khu vực trung tâm bởi ngập lụt.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, chính phủ mới giải ngân khoảng 34,5% kế hoạch cả năm. Hiện tại, khoảng 90% chi tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tới từ ngân sách, vì vậy, sự chậm trễ này tất nhiên ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Tất nhiên, Việt Nam nhận ra vấn đề này và đã cố gắng. Trong đó, nỗ lực được ghi nhận nhất là việc ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm. Ví dụ, các nhà thầu sẽ không muốn chia sẻ rủi ro với chính phủ, từ chối các dự ản chỉ thanh toán khi đã hoàn thành. Điều này làm chậm lại tiến độ của các dự án. Tính tới tháng 2/2022, 50km đường thuộc dự án Cao tốc Bắc Nam được thực hiện bởi tư nhân chỉ hoàn thành 1,5% khối lượng công việc.
Rõ ràng, Trung Quốc đã sở hữu cơ sở hạ tầng mạnh, với hệ thống đường bộ, đường sắt, sân bay và metro. Từ các yếu tố địa chính trị, dân số, tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động…, Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Điều làm chậm bước tiến của quốc gia này chính là việc phải đẩy mạnh đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.