Bờ ao xóm núi

Tôi ghé bản vào mùa hoa trẩu. Giữa màu xanh lưng trời, từng cụm hoa trắng ngần bồng bềnh như những đám mây trùm lên thung lũng. Cây trẩu gần nhất nơi tôi đang đứng đang phả nhẹ hương thơm. Những cánh hoa bay bay, xoay xoay rồi lướt mình trên mặt ao nhẹ tênh như cánh bướm. Ở xóm núi này, nhà nào cũng có một hoặc hai ao cá. Những cái ao không quá lớn, mặt nước màu xanh rêu, khi đầy khi cạn tùy theo mùa.

Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Bà con đồng bào hay thả cá giống xuống ao vào những tháng đầu năm, sang mùa thu hoặc những ngày tháng Chạp giáp Tết, vài nhà trong xóm lại tập trung nhau kéo lưới nhằm chủ động nguồn thực phẩm dịp xuân về.

Màu trắng hoa trẩu như chỉ dấu dẫn tôi đi đến rồi nán lại một lúc lâu bên chiếc cầu ao. Những chiếc cầu ao ở miền sơn cước được dựng lên từ những vật liệu như ván, gỗ, tre, khá thô sơ và thân thiện môi trường. Mấy chiếc ống nhựa dẫn nước từ núi cao về, phát ra tiếng ồ ồ hiếm khi ngơi nghỉ. Nước đổ vào ao, nước tràn ra ruộng, ai đó thật khéo khi treo cao chiếc ống lên, gá vào một gộc gỗ làm thành chiếc vòi tự chảy rỉ rả suốt đêm ngày.

Những người phụ nữ thường lấy nước, rửa rau, chao cỏ ở đây. Đôi khi, từ rừng rẫy trở về họ sẽ đi thẳng đến cầu ao để tắm giặt và kỳ cọ khiến đám nông cụ trở nên sạch bong, bóng loáng. Họ hứng nước mát từ vòi, nước từ vòi sau khi qua sử dụng lại chảy thẳng xuống ao. Một vài lá cỏ, vỏ củ quả vô tình rơi xuống, dẫn dụ lũ cá đớp động, mặt ao liên tục loang tỏa những vòng tròn.

Mùa này ở núi, khắp không gian vẫn còn se lạnh, bảng lảng thấm sương. Mấy cây ổi, cây mít, mãng cầu gai, đám mạ non dưới ruộng, cụm rau cải ở góc vườn, những dây leo trên bờ rào hai bên lối vào hiện ra xa gần, xanh mướt. Đâu đó, có hai, ba con lợn đi rong, vài chú vịt lạp cạp sục mỏ xuống góc vườn ẩm ướt tìm mồi.

Tránh lối đi ướt át, tôi đứng im trên gò đất cao sát cạnh cầu ao rồi phóng mắt nhìn về phía đồng bằng. Nhà tôi bây giờ chỉ còn là một vệt chấm, thẳm xa. Nơi đó cũng từng có những chiếc cầu ao. Mẹ tôi, bà tôi và những phụ nữ trong làng thường xuyên tụ tập bên bờ nước để giặt giũ, chuyện trò huyên náo. Mùa này, bà hay mang những thúng lúa ra đê. Nhoài người bên bờ ao là những viên gạch màu nâu trầm được xếp xăm xắp bờ nước, bà dùng một tay quậy lúa, sau đó đẩy thúng lúa ra xa, thu thúng lúa gần về gần, đều tay, nhịp nhàng, bà thao tác lặp đi lặp lại khiến đám lúa dẹt nổi lên lềnh bềnh, trôi theo dòng chảy. Một lúc sau, yên tâm vì lúa chỉ còn những hạt chắc mẩy, bà mới để rỏng nước bằng cách gác thúng lên bờ rào.

Thấp hơn núi là đồi. Giữa những ngọn đồi là rừng cây, cánh đồng, suối sông và thung lũng. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số thường chọn làm nhà ở đây. Từng mái nhà sàn nhấp nhô, nhấp nhô tựa lưng vào sườn đồi. Và tôi, tôi đã chọn đi đến nơi thật cao, thật xa rồi nhìn về phía nhà mình. Len lách giữa những cụm đồi là những con đường to nhỏ, là những đám mây, chùm sương, cành cây, cụm hoa trắng muốt. Chúng hiển hiện, dụ dẫn tôi ra đi. Mai kia, biết đâu, từ đồng bằng nhìn lên phía núi thì tôi lại nhớ, mãi nhớ, nhớ những khóm hoa rừng thi nhau rơi lả tả trên mặt nước như những cánh bướm đang bay.

Diệu Thông

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/bo-ao-xom-nui/181101.htm