Bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm, Cà Mau xin hỗ trợ 970 tỷ đồng
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh vừa có Công văn hỏa tốc kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ 970 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm.
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45 - 50m/năm) với chiều dài khoảng 67km.
Hiện tượng thời tiết cực đoan tác động mạnh đến rừng phòng hộ đê biển
Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan, thời điểm xuất hiện gần như quanh năm, không theo quy luật, thậm chí là dị biệt, cộng với đặc điểm địa hình bờ biển phức tạp, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng xói lở rất nghiêm trọng không chỉ vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, trong những năm qua, Cà Mau đã xây dựng được 58,4km kè bảo vệ, với tổng kinh phí 1.802 tỷ đồng. Trong đó, bờ biển Tây đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 41,5km, kinh phí thực hiện 1.057 tỷ đồng và bờ biển Đông là 12,9km, kinh phí thực hiện 745 tỷ đồng. Những công trình đã được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống xói lở, gây bồi tạo bãi”.
Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời thì trong vài năm tiếp theo xói lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm. Nếu để xói lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng mà xói lở còn uy hiếp đến hạ tầng bên trong. Khi đó có xây dựng công trình thì cũng rất tốn kém và rất khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng ảnh hưởng dân sinh
Trước diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét hỗ trợ đối với các dự án đã ban bố tình huống khẩn cấp chưa được bố trí đủ vốn. "Tình hình xói lở tiếp tục diễn ra hết sức nghiêm trọng, nếu không kịp thời đầu tư hoàn thiện các công trình thì không thể phát huy được hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu.
Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm các khu vực sạt lở rất nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, ven biển Vàm Xoáy, đoạn từ cửa biển Vàm Xoáy đến Kênh Năm Ô Rô; khu vực cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), đoạn từ cửa biển Kiến Vàng đến cửa biển Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển); khu vực cửa biển Gành Hào, đoạn ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) và khu vực bờ Nam cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), với diễn biến sạt lở có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.
Những vị trí sạt lở trên đòi hỏi phải triển khai cấp bách công trình xử lý xói lở, qua đó bảo vệ an toàn cho các khu dân cư tập trung, các công trình hạ tầng quan trọng như: đường Hồ Chí Minh, khu vực xây dựng Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc, đường điện cao thế, trung thế và các hạ tầng bên trong. Tổng chiều dài các vị trí sạt lở khoảng 17,9km, kinh phí dự kiến thực hiện 970 tỷ đồng.
“Trong những năm tiếp theo, Cà Mau cần hỗ trợ vốn để tiếp tục đầu tư 131,5km công trình chống xói lở rất nguy hiểm còn lại, gồm bờ biển Đông khoảng 64,5km, bờ biển Tây khoảng 67km. UBND tỉnh rất mong được sự quan tâm, xem xét, chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Lê Văn Sử cho biết thêm.
Thống kê ngành lâm nghiệp Cà Mau, trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011 - 2021, xói lở làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.251ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh), riêng năm 2021 diện tích bị sạt lở ven biển là 300ha...
Cà Mau có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Trong đó, bờ biển Đông khoảng 100km, bờ biển Tây khoảng 154km. Một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà Cà Mau đang phải đối mặt là tình trạng xói lở bờ biển. Xói lở bờ biển tỉnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi. Thực trạng này đã và đang là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ven biển tại đây.