Bộ Công an nói về chế tài xử lý người chống đối, gây nguy hiểm cho CSGT

Chống người thi hành công vụ gồm các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở, tấn công người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ.

Như thế nào là chống đối, cản trở lực lượng CSGT?

Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có chất kích thích trong người như rượu, bia khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đo nồng độ cồn đã có những hành động không hợp tác, chống đối.

Một số trường hợp bất chấp hiệu lệnh của người thực thi công cụ, có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng CSGT.

Cảnh sát khống chế đối tượng cầm gạch tấn công CSGT ở Hà Nội.

Cảnh sát khống chế đối tượng cầm gạch tấn công CSGT ở Hà Nội.

Trong các vụ việc đó, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ có mức phạt tối đa lên đến 8 triệu đồng.

Nếu hành vi chống đối ở mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Chống người thi hành công vụ. Khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, còn vi phạm mức nghiêm trọng có thể bị phạt đến 7 năm tù.

Theo đại diện Cục CSGT, người thi hành công vụ gồm công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, cán bộ được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Người thi hành công vụ được pháp luật bảo vệ để phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân, xã hội, theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2014.

Tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, chống người thi hành công vụ gồm các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở, tấn công người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật; xúi giục, lôi kéo và kích động người khác phạm tội.

Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra các trường hợp chống đối người thi hành công vụ, nhất là với lực lượng CSGT. Những đối tượng thực hiện hành vi đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, song tình trạng này vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thực thi công vụ của lực lượng công an nhân dân, đồng thời thể hiện sự coi thường pháp luật của người vi phạm.

Đề xuất CSGT được sử dụng vũ khí và truy đuổi người vi phạm

Tại Điều 70 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp được Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 26/6, Bộ Công an đề xuất, lực lượng CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Được trang cấp phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông.

Khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông được thông qua, CSGT và lực lượng hỗ trợ sẽ có chế tài mạnh hơn để trấn áp người vi phạm.

Khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông được thông qua, CSGT và lực lượng hỗ trợ sẽ có chế tài mạnh hơn để trấn áp người vi phạm.

Các lực lượng tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát cũng được đề xuất trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Còn Điều 73 dự thảo Luật đề xuất, khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ thực hiện các biện pháp sau:

Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát...

Nếu người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ, tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy, người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Với những đề xuất trên, cơ quan soạn thảo dự án Luật đánh giá, việc xây dựng, ban hành Luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-cong-an-noi-ve-che-tai-xu-ly-nguoi-chong-doi-gay-nguy-hiem-cho-csgt-192240528225535379.htm