Bộ Công an xây dựng Thông tư nhằm thi hành Luật Căn cước

Theo Bộ Công an, để thống nhất thực hiện Luật Căn cước số 26/2023/QH15 ngày 27/11/2023 thì việc ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước là cần thiết.

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước 2023 có nhiều nội dung mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Ngoài ra, Luật căn cước cũng giao Bộ Công an quy định chi tiết các nội dung gồm: Quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin quy định tại khoản 3 Điều 18 đó thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước - Khoản 4 Điều 18 Luật Căn cước. Đồng thời, ban hành biểu mẫu dùng trong quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử; về thỏa thuận dùng ứng dụng định danh quốc gia - Khoản 5 Điều 41 Luật Căn cước.

Cùng với đó, ngày 15/5/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP.

Qua triển khai thực hiện Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cấp, quản lý Căn cước công dân, phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà, hạn chế được các biểu hiện tiêu cực trong công tác này. Tuy nhiên, đến nay Thông tư đã không còn phù hợp với quy định mới của Luật Căn cước. Vì vậy, để việc triển khai thi hành được thống nhất, mang lại hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA.

 Công an TP Hà Nội cấp Căn cước công dân cho người dân. (Ảnh minh họa: Hồng Thái)

Công an TP Hà Nội cấp Căn cước công dân cho người dân. (Ảnh minh họa: Hồng Thái)

Theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Thông tư nhằm hoàn thiện cơ sở pháp luật nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Việc xây dựng Thông tư còn nhằm thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư, căn cước; bảo đảm tốt hơn tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, căn cước.

Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý dân cư, căn cước góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Về bố cục, dự thảo Thông tư bao gồm 5 Chương, 19 Điều. Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước, gồm các nội dung đó là: Tiếp nhận và xử lý thông tin về căn cước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú.

Cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước cho các trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Luật căn cước;

Xác nhận thông tin số Chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân; số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.

Tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước lưu động trong trường hợp cần thiết; quyền và trách nhiệm của công dân khi sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

Biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tàng thư căn cước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Mặt khác, dự thảo Thông tư đã quy định về nguyên tắc xác định thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước. Cụ thể, thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp thẻ.

Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại đã được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp thẻ.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/bo-cong-an-xay-dung-thong-tu-nham-thi-hanh-luat-can-cuoc-153183.html