Bỏ công bố hợp quy sẽ mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp
Rất nhiều kiến nghị cần sửa đổi 2 Luật 'gốc', nhất là bỏ quy định công bố hợp quy để đơn giản hóa thủ tục, giảm tải cả về thời gian lẫn chi phí cho doanh nghiệp.
Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TCQC) và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa (Luật CLSP) đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Doanh nghiệp tốn thêm thời gian và chi phí

Các đại biểu đều thống nhất kiến nghị sửa đổi 2 Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, nhất là bỏ quy định công bố hợp quy để đơn giản hóa thủ tục, giảm tải cả về thời gian lẫn chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên
Tại Hội thảo khoa học “Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” sáng 24/02 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp tổ chức, đại diện cho cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đều thống nhất 2 Luật “gốc” này đang bộc lộ nhiều bất cập, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh nên cần sớm sửa đổi để tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông, đơn vị sản xuất phân bón thương hiệu Tiến Nông - cho biết, hiện Tiến Nông đã và đang xuất khẩu phân bón sang các thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản… Doanh nghiệp vừa phải tuân thủ theo quy định về chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy (theo điều 48 của Luật TCQC), đồng thời vẫn phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vào sản xuất sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn này.
Bất cập này đang khiến doanh nghiệp không chỉ phát sinh chi phí lên tới 1 tỷ đồng/năm mà còn mất thời gian để có chứng nhận tiêu chuẩn hợp quy. Trong khi đó, khi xuất khẩu sản phẩm, các thị trường “khó tính” đều có quy định về sản phẩm theo tiêu chuẩn của nước xuất khẩu, không cần tới chứng nhận công bố hợp quy của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cũng kiến nghị, cần bỏ chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy vì đây là quy định không cần thiết. Ảnh: Nguyễn Duyên
Chia sẻ thêm về những bất cập trong công tác công bố tiêu chuẩn hợp quy, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết: Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ra một cơ sở sản xuất phân bón tại Tây Nguyên có đầy đủ chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy. Nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, các hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón của cơ sở này đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây là một minh chứng cho thấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy là không cần thiết bởi cách quản lý không toàn diện này tạo "kẽ hở" cho sản phẩm kém chất lượng có "đất sống".
Cũng đại diện một đơn vị sản xuất phân bón trong nước, ông Trần Đại Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - cho biết, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là quy chuẩn kỹ thuật tối cao mà các tổ chức phải tuân thủ. Các sản phẩm đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia đã đảm bảo tính pháp lý cao nhất để được lưu hành trên thị trường. Kết quả đánh giá hợp quy chỉ phản ánh tại thời điểm đánh giá và không phản ảnh cả quá trình. Do vậy, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy gây tốn kém chi phí cho tổ chức, đôi khi gây chậm trễ tiến trình đưa sản phẩm ra thị trường, làm mất cơ hội của tổ chức.
Nhiều nước không bắt buộc phải có công bố hợp quy
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam và Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y - cho biết các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y vẫn đang xuất khẩu sản phẩm sang hơn 40 nước trên thế giới nhưng không có nước nào cần đến chứng nhận công bố hợp quy thuốc thú y của Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Bộ phận đối ngoại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đồng thời đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - đã chỉ ra những bất cập trong quy định hiện hành.
Theo thông lệ quốc tế về chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, các thị trường được coi là khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ đều không bắt buộc áp dụng nhiều trách nhiệm với hàng xuất khẩu, chỉ siết chặt quy định đối với những mặt hàng sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm.
Theo đó, các nước này đều không bắt buộc phải có công bố hợp quy, đăng ký mã số mã vạch, mã nguồn gốc, nhãn điện tử… trong khi Việt Nam bắt buộc phải có. “Các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt đang mất từ 2-4 tháng để hoàn thành tất cả các quy định của Việt Nam trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, nhiều hơn cả thời gian từ khi thiết kế sản phẩm đến sản xuất và xuất khẩu đi các nước” - bà Huyền nêu thực tế đồng thời lý giải thêm: Điều này có nghĩa là hàng xuất khẩu cũng bị “trói buộc” quy định như hàng tiêu thụ trong nước và hàng nhập khẩu, khiến hàng xuất khẩu bị đình trệ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp như Canon.
Trong kiến nghị gửi tới Quốc hội về góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - phân tích những bất cập của việc doanh nghiệp phải công bố hợp quy: Cụ thể, theo giá dịch vụ hiện nay, trung bình một sản phẩm, hàng hóa được đánh giá quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm để công bố hợp quy, có thời hạn 3 năm phải công bố lại, có mức chi phí dao động từ 3-5 triệu đồng/sản phẩm. Với mức chi phí này, một doanh nghiệp quy mô vừa, thường có từ 200-300 loại sản phẩm, tốn kém từ 800 triệu - 1,2 tỷ đồng và nếu tính trên phạm vi quốc gia sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc công bố hợp quy sản phẩm, bao gồm thời gian đánh giá quy trình sản xuất, lấy mẫu thử nghiệm phân tích và công bố kết quả hợp quy, gửi đến cơ quan chức năng. Nếu làm đầy đủ quy trình này phải mất từ 15-30 ngày/sản phẩm sản xuất trong nước và từ 7-10 ngày/sản phẩm nhập khẩu. Tính thời gian này cho cả quốc gia với hàng triệu sản phẩm, hàng hóa thì không biết đã bỏ lỡ biết bao nhiêu thời gian cơ hội (phải là nhiều triệu ngày) để sản phẩm, hàng hóa đi vào sản xuất, lưu thông.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy
TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho biết, Luật CLSP và Luật TCQC có phạm vi ảnh hưởng, tác động rất rộng, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, có 104 luật, pháp lệnh, nghị định chịu sự tác động của Luật TCQC; 79 luật, pháp lệnh liên quan đến Luật CLSP; toàn bộ luật, pháp lệnh, nghị định và quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh sản xuất nông sản thực phẩm và các văn bản dưới luật đều chịu sự chi phối của hai Luật (gốc) này.
Trong khi đó, Luật cũ và Dự thảo Luật sửa đổi chưa tiếp cận được đầy đủ cách thức tiếp cận hiện nay trong kiểm soát chất lượng, đánh giá rủi ro và thừa nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, các Luật này chưa khai thác và làm rõ nét vai trò tự chịu trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh và các hiệp hội ngành đối với vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, hai luật này có nhiều nội dung chồng chéo (14 nội dung).
Vì vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị hợp nhất 2 Luật TCQC và Luật CLSP thành 1 Luật sau sửa đổi; bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa; kiểm soát chặt danh mục hàng hóa nhóm 2 và tiêu chí kỹ thuật trong các quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, kiến nghị không nên luật hóa các giải pháp kỹ thuật mà chỉ nên khuyến khích áp dụng như mã vạch, mã điện tử…Ngoài ra, cần hạn chế quy định các tiêu chí kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, ưu tiên theo yêu cầu của nước nhập, như quy định trong Luật hiện hành.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Nguyễn Duyên
Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe kiến nghị của các đại biểu về bất cập trong 2 Luật “gốc” này, đặc biệt là quy định về công bố hợp quy (Điều 48) trong Luật TCQC, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội - cho biết: Dự kiến cuối tháng 2 và đầu tháng 3 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội sẽ có Văn bản xin ý kiến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, từ đó tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị, phương án nhằm sửa đổi Luật theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đồng tình với các kiến nghị này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều có Văn bản kiến nghị sửa đổi 2 Luật “gốc” để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét thông qua.
Thứ nhất, hợp nhất Luật TCQC vào Luật CLSP, trong đó dành một số chương, điều quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, không áp dụng hình thức công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như quy định hiện hành và trong dự thảo sửa đổi.
Thứ ba, trong trường hợp Quốc hội vẫn chủ trương thông qua Luật TCQC mà không hợp nhất với Luật CLSP, kiến nghị bổ sung thêm các chế tài, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng, ban hành các luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa, phải đảm bảo tính thống nhất quy phạm và quan điểm kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam.
Đối với Luật CLSP, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và hội nhập quốc tế, gây phát sinh tiêu cực hoặc làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét, sớm nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật CLSP phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, nâng tầm chất lượng, an toàn và sức cạnh tranh của thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo Luật TCQC sửa đổi để thông qua trong tháng 5 tới đây.