Bộ Công Thương: 65% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua các đối tác FTA

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những Hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp ký sẽ là cú hích để doanh nghiệp tiếp tục khai thác và tiến vào sâu các thị trường.

16 FTA đã và đang được thực thi

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, nhiều mặt hàng chủ lực duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu tích cực thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết.

 Tỷ lệ cấpgiấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi các FTA năm 2023. Ảnh: Báo Công Thương

Tỷ lệ cấpgiấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi các FTA năm 2023. Ảnh: Báo Công Thương

Sáng 5/6, tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hiện nay Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được triển khai thực thi. Trong quá trình mở cửa hội nhập thị trường chúng ta đều cần có thời gian và lộ trình để thực hiện.

Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

5 khuyến nghị, 5 giải pháp từ Bộ Công Thương

Để tận dụng các FTA với các đối tác ở những thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường mới như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ,... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là những thị trường mà ngành Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Nếu so với các quốc gia này, chúng ta có sự tương đồng về lao động, về thị trường và trình độ công nghệ. Nhưng xét về hình thức, các thị trường này không có tính bổ trợ cao cho nền kinh tế của Việt Nam giống như Hoa Kỳ, EU hay một số đối tác khác.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao. Do đó, Bộ Công Thương đưa ra 5 khuyến nghị.

Đầu tiên là các thị trường này có tiềm năng với quy mô dân số rất lớn (khoảng 2 tỷ người tiêu dùng), trong đó có khoảng 500 đến 600 triệu người thuộc nhóm thu nhập trung bình cao. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam.

Tiếp đó, nhiều năm nay, các quốc gia này đều thuộc nhóm nước áp dụng các hình thức hạn chế hàng nước ngoài thâm nhập. Vì thế, nếu Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này, đây rõ ràng là cơ hội để chúng ta tìm kiếm được một thị trường tương đối lớn để tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, tiêu chuẩn hàng hóa thâm nhập vào thị trường này không quá khắt khe. Điều này rất phù hợp với các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam. Thực tế, trong năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường này trên 10 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ và hoàn toàn có khả năng tăng thêm.

Thứ nữa, các quốc gia này thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, với phần lớn diện tích là núi đồi, có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng nông sản và hoa quả nhiệt đới. Đây đều là những cái nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam.

Mặt khác, các quốc gia này có khoảng cách địa lý không quá xa, do đó chi phí logistics sẽ hợp lý. Đây là điều có thể giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với các hàng hóa từ các quốc gia khác, thậm chí là cạnh tranh cả với hàng nội địa.

Cuối cùng, các quốc gia này đều có quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt với chúng ta, kể cả trong quá khứ và hiện tại. Điều này giúp tạo khuôn khổ quan hệ trong kinh tế, thương mại và đầu tư rất tốt.

Từ những kiến nghị và đề xuất trên, Bộ cũng đưa ra 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đầu tiên, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng. Trong đó, tập trung vào các ngành hàng chủ yếu: Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn tại các thị trường xuất khẩu về chất lượng,...

Ngoài ra cần đẩy mạnh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường, yêu cầu cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu. Tăng cường cập nhật, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu và biến động chính sách tại các thị trường xuất khẩu cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để doanh nghiệp kịp thời khai thác.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin để có những phản ứng phù hợp về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ phòng vệ thương mại.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bo-cong-thuong-65-hang-hoa-viet-nam-xuat-khau-qua-cac-doi-tac-fta.html