Bộ Công Thương báo cáo việc theo dõi thi hành pháp luật

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của Bộ Công Thương.

Thực hiện 18 chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật

Văn bản 10739/BCT-PC ngày 30/12/2024 của Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp cho biết: Trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-BCT ngày 12/4/2024 ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của Bộ Công Thương và Quyết định số 2000/QĐ-BCT ngày 30/7/2024 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 515/QĐ-BCT.

Theo đó, trong năm 2024, Bộ Công Thương thực hiện 18 chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật đối với một số hoạt động. Cụ thể như: Theo dõi thi hành pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về kinh doanh tạm nhập, tái xuất; theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các thương nhân kinh doanh xăng dầu…

Bộ Công Thương triển khai các hoạt động như tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin từ các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước; thông tin từ kết quả hoạt động của các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý, truy tố, xét xử.

Công tác chỉ đạo triển khai, ban hành kế hoạch thi hành các văn bản quy phạm pháp luật được lãnh đạo Bộ Công Thương rất quan tâm. Công tác xây dựng và triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được giao

Năm 2024, Bộ Công Thương được giao xây dựng 3 văn bản (2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 2 văn bản (1 nghị định, 1 thông tư trình trước 15/10/2024) quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo Quyết định số 717/QĐ- TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7). Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành trình các văn bản quy định chi tiết.

Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ 2 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ 1 Quyết định nhằm quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; 01 Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ lần 2. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ (Tờ trình số 8611/TTr-BCT ngày 28/10/2024) và ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BCT ngày 07/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Công Thương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành về cơ bản đã bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực, ý nghĩa

Hàng năm, Bộ Công Thương ban hành Quyết định, Ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ và triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến phong phú, đa dạng như: Cập nhật, đăng tải nội dung văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; mở lớp tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ cho các công chức của Bộ; tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn phổ biến nội dung của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương...

 Cuộc thi: “Tuyên truyền pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” và “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” năm 2024 do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Tuệ Minh

Cuộc thi: “Tuyên truyền pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” và “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” năm 2024 do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Tuệ Minh

Một số hoạt động nổi bật đã được triển khai trong năm 2024 có thể kể đến như: Tổ chức Hội nghị, Tọa đàm trực tiếp, trực tuyến phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực: kinh doanh xăng dầu; quản lý thị trường; quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tổng cục Quản lý thị trường đã đăng tải trên 4.489 tin, bài và 238 video, bản tin về hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường...

Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù luôn được Bộ Công Thương chú trọng và quan tâm, đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, các đơn vị nơi địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống đã tạo điều kiện, có chính sách phát triển và đào tạo các công chức làm việc tại các địa bàn có người dân tộc thiểu số. Qua đó, các công chức hiểu và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng đội ngũ có thể thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới cộng đồng người dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Để đáp ứng nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình dân cư và vị trí địa lý tại địa bàn đặc thù có người dân tộc thiểu số sinh sống, một số cục quản lý thị trường các tỉnh như Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Trị... đã chú trọng cử công chức tham gia học tiếng dân tộc thiểu số. Theo khả năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số và năng lực, kinh nghiệm của công chức, các đơn vị đã có sử dụng công chức vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó, xây dựng được một số công chức nhất định thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật tới cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn, giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tiếp cận và hiểu biết hơn về chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Tại văn bản theo dõi tình hình theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng đã nêu một số đề xuất kiến nghị trong đó có việc, mức chi cho một số nội dung, hoạt động cần thiết để phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật (như hoạt động điều tra, khảo sát, thu thập thông tin...) chưa được theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC và Thông tư số 42/2022/TT-BTC. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tư pháp có ý kiến với Bộ Tài chính tăng cường nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Đăng Khoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-bao-cao-viec-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-367540.html