Bộ Công Thương bỏ quy định 'mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng'
Bộ Công Thương đã bỏ quy định điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được bán với giá 0 đồng mà quy định loại hình điện này để tự sử dụng, không mua bán.
Trong dự thảo tờ trình mới nhất Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trình Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đã bỏ nội dung quy định điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được bán với giá 0 đồng.
Trước đó, dự thảo Nghị định cũ quy định sản lượng điện mặt trời mái nhà nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng, tức sẽ không được thanh toán.
Tuy nhiên, ở dự thảo mới này, Bộ Công Thương đã bỏ quy định trên và thay bằng nguyên tắc "phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức".
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Mái nhà các công trình xây dựng hiện hữu gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng.
Dự thảo đưa ra hai mô hình phát triển nguồn điện này là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có hoặc không đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Với trường hợp không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, tổ chức và cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ phải đăng ký theo quy định, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Với trường hợp có đấu nối với hệ thống điện quốc gia cũng sẽ phải đăng kí theo quy định, tổ chức và cá nhân có thể phát hoặc không phát điện dư (nếu có) lên lưới vào hệ thống điện.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân phải đăng ký công suất phát điện, đảm bảo công suất đề nghị phải nhỏ hơn hoặc bằng phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đạt trên 1 MW và lựa chọn phát điện dư vào lưới điện quốc gia sẽ phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa và kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Việc phát triển hệ thống này không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối của khu vực.
Về hoạt động đăng ký, sở công thương các địa phương sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển dựa trên các tiêu chí về công suất còn được phát triển tại địa phương.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được quy định rõ trách nhiệm trong dự thảo lần này. Cụ thể, EVN thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tổng hợp, thống kê, kiểm soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và kiến nghị xử lý hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá việc các nguồn điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.