Bộ Công Thương, cầu nối gắn kết nhà nước - doanh nghiệp - thị trường

Bộ Công Thương giữ vai trò cầu nối hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về vai trò cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước - doanh nghiệp của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với ngành lương thực - thực phẩm, đặc biệt tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả thực thi các nghị quyết, chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương đối với ngành lương thực - thực phẩm trong thời gian qua?

Bà Lý Kim Chi: Tôi đánh giá cao vai trò ngày càng rõ nét và thiết thực của Bộ Công Thương trong việc triển khai hiệu quả các nghị quyết, chiến lược và chương trình hành động của Chính phủ. Đặc biệt, trong giai đoạn hậu Covid-19, khi doanh nghiệp phải đối diện với những cú sốc lớn về thị trường, chi phí và chuỗi cung ứng, thì sự đồng hành kịp thời từ Bộ là một điểm tựa rất quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp vực dậy và phục hồi.

Với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chiếm tỷ trọng lớn về năng lực sản xuất và xuất khẩu ngành thực phẩm, các chính sách của Bộ đã được thực thi theo hướng linh hoạt, thực chất, sát với thực tiễn doanh nghiệp. Việc tháo gỡ điểm nghẽn logistics, duy trì lưu thông hàng hóa, hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu nguyên liệu là những giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp ngành chúng tôi trụ vững và phục hồi hiệu quả.

Tôi đặc biệt ghi nhận cách Bộ Công Thương làm việc ngày càng cởi mở, chủ động lắng nghe tiếng nói từ các hiệp hội ngành hàng, tạo nên sự kết nối hiệu quả giữa Nhà nước - doanh nghiệp - thị trường. Đây là yếu tố có tính nền tảng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất quốc gia.

- Ngành lương thực - thực phẩm được xem là ngành chủ lực của TP. Hồ Chí Minh và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khu vực phía Nam. Theo bà, các cơ chế, chính sách từ Bộ Công Thương đã hỗ trợ ra sao trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ngành này?

Bà Lý Kim Chi: Ngành lương thực - thực phẩm không chỉ đóng vai trò là ngành công nghiệp trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh mà còn là trục lan tỏa cho toàn vùng phía Nam và kết nối trực tiếp với vùng nguyên liệu phía Tây Nam Bộ. Đặc thù của ngành là gắn liền với nông nghiệp, với tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao và áp lực đổi mới không ngừng - vì vậy, cơ chế chính sách từ Bộ Công Thương đóng vai trò “tác động sớm - dẫn dắt đúng”.

Các nghị quyết, chính sách linh hoạt từ Bộ Công Thương giúp ngành thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nâng cao năng lực và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Minh Khuê.

Các nghị quyết, chính sách linh hoạt từ Bộ Công Thương giúp ngành thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nâng cao năng lực và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Minh Khuê.

Trong thời gian qua, Bộ đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm nâng cấp công nghệ sản xuất, triển khai các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn - bao bì, và phát triển thương hiệu Việt ra thị trường thế giới. Đặc biệt, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là cánh tay nối dài rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với hệ thống phân phối quốc tế, giải mã rào cản kỹ thuật và bắt kịp nhu cầu tiêu dùng mới.

Tôi cũng đánh giá cao các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hội chợ - triển lãm chuyên ngành mà Bộ đã chủ trì hoặc bảo trợ. Đây không chỉ là cơ hội tiếp thị sản phẩm mà còn là diễn đàn để doanh nghiệp học hỏi công nghệ, mở rộng hợp tác, cập nhật xu thế tiêu dùng toàn cầu.

Tôi kỳ vọng thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành về chuyển đổi số, logistics chuyên ngành và năng lực dự báo thị trường. Bởi đó chính là những đòn bẩy cần thiết để nâng cao nội lực và sức cạnh tranh cho ngành thực phẩm Việt Nam.

- Trước bối cảnh nhiều thách thức về thị trường, chi phí và biến động chuỗi cung ứng, bà nhìn nhận vai trò của ngành Công Thương như thế nào trong việc tiếp sức doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trong khu vực phía Nam?

Bà Lý Kim Chi: Tôi cho rằng trong bối cảnh nhiều bất định như hiện nay, ngành Công Thương không chỉ là đơn vị quản lý, mà thực sự phải giữ vai trò kiến tạo chính sách, dẫn dắt xu thế và khơi thông thị trường cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chúng tôi đang chứng kiến rất rõ những áp lực đè nặng lên doanh nghiệp: chi phí sản xuất tăng, đơn hàng sụt giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, sức mua thị trường nội địa chưa phục hồi hoàn toàn. Trong hoàn cảnh đó, Bộ Công Thương đã làm tốt vai trò “giữ nhịp thị trường” - từ đảm bảo dòng chảy hàng hóa, tháo gỡ rào cản thương mại, đến hỗ trợ doanh nghiệp khai phá thị trường mới và tối ưu hóa logistics ngành hàng.

Với khu vực phía Nam - vùng trọng điểm về công nghiệp chế biến thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành - tôi mong Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vai trò là “nhạc trưởng chính sách”: không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn trước mắt, mà còn dẫn dắt quá trình xanh hóa sản xuất, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu bền vững và tạo ra chuỗi giá trị thực phẩm đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm, chúng tôi rất cần một cơ quan nhà nước vừa hiểu ngành, vừa dám hành động nhanh, kịp thời và hiệu quả như Bộ Công Thương hiện nay. Niềm tin ấy chính là điều kiện tiên quyết để chúng tôi tiếp tục đầu tư, đổi mới và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Minh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-cau-noi-gan-ket-nha-nuoc-doanh-nghiep-thi-truong-409514.html