Đề xuất bỏ quy định tạo gánh nặng cho doanh nghiệp rượu, thuốc lá
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, hiện tại nhiều quy định trong sản xuất, kinh doanh, phân phối rượu, thuốc lá mang tính áp đặt và không cần thiết, tạo gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương. Trong đó, VCCI đề xuất bãi bỏ các giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, với lý do không còn phù hợp và không mang tính đặc thù của ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định hiện nay, hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu đều phải xin cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo VCCI, điều kiện kinh doanh đối với những hoạt động này gần như không có tính đặc thù cần thiết để được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đại diện phía doanh nghiệp cho rằng, cần bãi bỏ giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu.
Theo đó, đối với hoạt động phân phối rượu, doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tại ít nhất ở hai tỉnh, mỗi tỉnh có ít nhất một thương nhân bán buôn hoặc chi nhánh. VCCI đánh giá yêu cầu này mang tính áp đặt và không cần thiết, bởi việc tổ chức hệ thống phân phối nên để doanh nghiệp tự quyết định, tùy theo mô hình kinh doanh và biến động thị trường. Không có lý do rõ ràng nào để bắt buộc doanh nghiệp phải có hệ thống ở hai tỉnh hoặc ít nhất một thương nhân bán buôn tại mỗi tỉnh.
Ngoài ra, yêu cầu phải có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp rượu ngay tại thời điểm xin giấy phép cũng được cho là bất hợp lý.
“Trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, nhà cung cấp có thể thay đổi thường xuyên. Mỗi lần thay đổi, doanh nghiệp lại phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục không cần thiết”, VCCI phân tích.
Đối với lĩnh vực bán buôn, phân phối thuốc lá, VCCI cho rằng, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được kiểm soát rất chặt. Theo đó, tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá hằng năm để tiêu thụ trong nước hiện quy định không được vượt quá hạn mức tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành thuốc lá, do Bộ Công Thương công bố. Do đó, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá hằng năm để tiêu thụ trong nước không được vượt quá sản lượng ghi trong giấy phép sản xuất thuốc lá.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong 3 năm và dự kiến kế hoạch sản xuất kinh doanh của 5 năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ xem xét và công bố sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu của từng doanh nghiệp...
Đáng chú ý, không chỉ kiểm soát về tổng sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu, những hoạt động đầu tư máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá, đổi mới thiết bị, công nghệ cũng bị kiểm soát bằng sự chấp thuận, cho phép của cơ quan quản lý.
Cụ thể, việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; đầu tư sản xuất thuốc lá xuất khẩu, gia công thuốc lá xuất khẩu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư của Bộ Công Thương.
“Doanh nghiệp chỉ được nhượng bán máy móc thiết bị còn giá trị sử dụng cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá, giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá phù hợp lĩnh vực sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc xuất khẩu, tái xuất ra nước ngoài. Doanh nghiệp phải lập hồ sơ nhượng bán, xuất khẩu, tái xuất hoặc thanh lý máy móc, thiết bị cần thanh lý và văn bản đề nghị Bộ Công Thương. Bộ này sẽ trả lời trong thời hạn 15 ngày”,
Trước quy định như vậy, VCCI cho là "quá mức cần thiết và tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".
Một số doanh nghiệp đề nghị cân nhắc, bỏ các quy định doanh nghiệp phải xin chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động đổi mới thiết bị, công nghệ; sang nhượng, thanh lý máy móc thiết bị sản xuất thuốc lá.