Cú sốc nguồn cung kéo lùi thị trường dầu mỏ

Nửa đầu năm 2025 khép lại với nhiều biến động đáng chú ý trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Từ những cú sốc nguồn cung bất ngờ do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đảo ngược chính sách cắt giảm sản lượng, đến những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và chính sách thuế quan khó lường của Mỹ, tất cả đã tạo ra một môi trường đầy bất định, khiến giá dầu dịch chuyển mạnh và xu hướng thị trường thay đổi liên tục.

OPEC+ thay đổi chính sách

Diễn biến nổi bật nhất trong nửa đầu năm là việc OPEC+ liên tục nâng sản lượng khai thác, với quyết định mới nhất là bổ sung thêm 548.000 thùng/ngày từ tháng 8/2025. Quyết định này sẽ đưa gần 80% trong tổng số 2,2 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện của 8 nước thành viên OPEC trở lại thị trường.

Mặc dù OPEC+ trấn an thị trường rằng “nền kinh tế toàn cầu ổn định và thị trường dầu vẫn vững vàng”, thực tế lại cho thấy một bức tranh kém lạc quan hơn. Tăng trưởng nhu cầu dầu tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – chỉ tăng nhẹ 0,3% trong 5 tháng đầu năm, đạt 11,1 triệu thùng/ngày. Lý do chính khiến nhập khẩu tăng mạnh vào tháng 6/2025 (ước đạt 11,96 triệu thùng/ngày) là do các nhà máy lọc dầu tận dụng giá thấp trong tháng 4 và tháng 5 để mua vào, chứ không phản ánh nhu cầu tiêu dùng thực sự tăng lên.

Cùng lúc đó, châu Á – khu vực tiêu thụ khoảng 60% dầu thô vận chuyển bằng đường biển – nhập khẩu trung bình 27,36 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 620.000 thùng/ngày so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo mức tăng này chưa đủ bền vững để hấp thụ lượng dầu bổ sung từ OPEC+, đặc biệt nếu giá dầu tăng trở lại khiến Trung Quốc và Ấn Độ rút bớt đơn hàng và tiêu thụ tồn kho thay vì nhập khẩu mới.

Vòng xoáy cung - cầu và rủi ro địa chính trị

Giá dầu trong nửa đầu năm 2025 trải qua nhiều đợt biến động mạnh. Sau khi ổn định quanh mức 75 - 77 USD/thùng trong quý I nhờ kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc, giá dầu giảm mạnh vào đầu quý II khi OPEC+ bắt đầu nâng sản lượng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan toàn diện lên nhiều nước, khiến nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.

Sang tháng 6/2025, giá dầu bất ngờ tăng vọt lên hơn 80 USD/thùng do căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, khi Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước, giá dầu Brent và WTI lại lao dốc khoảng 12% trong vòng hai ngày - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2022.

Tới cuối tháng 6/2025, giá dầu Brent giao dịch quanh mốc 68 USD/thùng, WTI khoảng 67 USD – phản ánh kỳ vọng thận trọng của thị trường trước cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào đầu tháng 7.

Triển vọng nửa cuối năm

Nhìn về nửa cuối năm 2025, triển vọng thị trường dầu vẫn nghiêng về kịch bản giá thấp, khi cung tiếp tục áp đảo cầu và các rủi ro kinh tế – thương mại còn hiện hữu. Dù nhu cầu có thể giữ ổn định trong mùa cao điểm du lịch, giới phân tích cho rằng điều đó là chưa đủ để hấp thụ hết lượng cung bổ sung từ OPEC+, đặc biệt khi sản lượng thực tế có xu hướng tiệm cận hạn ngạch mới.

Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đều dự báo giá dầu Brent sẽ dao động quanh khoảng 66 - 68 USD/thùng trong năm 2025, còn dầu ngọt nhẹ WTI quanh vùng 63 - 64 USD/thùng. Dự báo này phù hợp với khảo sát của Reuters gồm 40 chuyên gia, trong đó phần lớn cho rằng thị trường đang thừa nguồn cung nhẹ và chưa có động lực rõ ràng để giá phục hồi mạnh.

Một số chuyên gia, như Rob Thummel từ Tortoise Capital, cho rằng để giá dầu quay lại “vùng bình thường” quanh 70 USD/thùng, cần một sự tái cân bằng rõ rệt về cung - cầu, trong đó sản lượng ở các nơi khác giảm hoặc nhu cầu tăng mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra khi sản lượng OPEC+ đang tăng và rủi ro kinh tế vẫn phủ bóng lên triển vọng tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại các yếu tố có thể đảo ngược xu hướng trên. Nếu xung đột Trung Đông bùng phát và dẫn đến gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng, như việc phong tỏa eo biển Hormuz, giá dầu có thể nhanh chóng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo JPMorgan, trong kịch bản xấu nhất, giá dầu thậm chí có thể vọt lên 120 - 130 USD/thùng.

Ngược lại, nếu mùa cao điểm dịch chuyển hè kết thúc mà nhu cầu tiêu thụ không đạt kỳ vọng, thị trường sẽ rơi vào thế thặng dư rõ rệt. Khi đó, áp lực giảm giá sẽ gia tăng và buộc OPEC+ phải cân nhắc tạm dừng hoặc đảo ngược các đợt tăng sản lượng. Trong trường hợp này, vai trò của Saudi Arabia - quốc gia có năng lực điều tiết cao nhất trong OPEC+ sẽ đặc biệt quan trọng.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cu-soc-nguon-cung-keo-lui-thi-truong-dau-mo-20250707182309009.htm