Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ để NSMO hoạt động hiệu quả
Việc tách A0 từ EVN là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Chiều ngày 12/8/2024, tại Hà Nội đã diễn ra lễ bàn giao A0 (tên mới NSMO) từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương quản lý.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; ông Hồ Sỹ Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Nguyễn Cảnh Toàn – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh- xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam...
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, sau hơn một năm chuẩn bị đã hoàn thành việctách Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia từ EVN và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, chuyển giao về Bộ Công Thương” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng An- Chủ tịch HĐTV T EVN cho biết, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia là đơn vị trực thuộc EVN với lịch sử hơn 30 năm hình thành và phát triển. Trung tâm được thành lập vào ngày 11/4/1994 theo quyết định của Bộ Năng lượng, với nhiệm vụ chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, và phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia. Một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Trung tâm là vào ngày 27/5/1994, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo công tác đóng điện đường dây 500 kV Bắc - Nam, đánh dấu sự thống nhất hệ thống điện trong cả nước.
Ngày 24/10/1995, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia được chuyển về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), với nhiệm vụ điều hành trực tiếp các nhà máy điện có công suất tổ máy trên 30 MW và hệ thống truyền tải từ cấp điện áp 110kV đến 500kV. Năm 2007, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đảm nhận nhiệm vụ là cơ quan vận hành thị trường điện nội bộ EVN. Từ ngày 01/7/2012, Trung tâm vận hành thành công thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam.
“Có thể nói trong suốt chặng đường phát triển của mình, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”- ông Đặng Hoàng An nhìn nhận.
Buổi lễ hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc và phát triển của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đồng thời cũng là bước ngoặt đối với hoạt động của EVN cũng như tiến trình cải cách và phát triển của ngành điện lực Việt Nam. Việc tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) và chuyển về Bộ Công Thương không chỉ thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành điện, mà còn là quá trình tất yếu phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Chia sẻ tại Lễ bàn giao, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, chúng ta cùng có mặt tại đây để chứng kiến một sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển và tái cơ cấu ngành điện Việt Nam. Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ EVN và thành lập Công ty NSMO trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển giao về Bộ Công Thương không chỉ là một sự thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức mà còn là một bước tiến lớn, khẳng định sự phát triển và trưởng thành của ngành điện lực Việt Nam trong thời kỳ mới.
Việc tách A0 từ EVN và thành lập NSMO trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển giao về Bộ Công Thương là một quá trình được nghiên cứu, triển khai thực hiện từ năm 2018 trên cơ sở thực hiện chỉ dạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường diện lực tại Việt Nam và Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 17/02/2017 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Ngay sau khi ban hành Quyết định thành lập NSMO, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt nhân sự người quản lý của NSMO, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của NSMO; đã chỉ đạo các Vụ chuyên môn, EVN và A0 khẩn trương thực hiện các công việc liên quan để hoàn thành việc 1 thành lập NSMO và chuyển giao về Bộ Công Thương theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình tách Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, chuyển giao về Bộ Công Thương đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì thực hiện theo đúng các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Trong giai đoạn đầu, các đơn vị liên quan đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, đánh giá các tác động của việc tách và chuyển giao, từ đó đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ và không ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn hệ thống điện.
“Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện quá trình chuyển giao, đồng thời đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo tính liên tục và ổn định trong hoạt động của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia. Việc chuyển giao này được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành hệ thống điện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các chính sách năng lượng quốc gia. Sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát trực tiếp và toàn diện Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia trong việc thực hiện các nhiệm vụ mới”- ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ: Việc điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia an toàn, ổn định và tin cậy là công việc rất hệ trọng, thuộc thẩm quyền, chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, công tâm giữa các đối tượng chịu sự tác động.
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thành lập Công ty TNHH Một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) 100% vốn Nhà nước để hoạt động độc lập với EVN; đồng thời, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại NSMO từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương quản lý, bởi Bộ Công Thương có đầy đủ chức năng, bộ máy và nhân lực chuyên môn để quản lý, điều hành hiệu quả lĩnh vực này.
Đây cũng là đòi hỏi khách quan, tất yếu của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0 (nay là NSMO) tuy đã được tách ra độc lập với EVN nhưng đều là hai doanh nghiệp nhà nước, được Chính phủ giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng điện Quốc gia dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm cho NSMO tiếp tục vận hành ổn định, liên tục, hiệu quả sau chuyển giao, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Công ty TNHH Một thành viên - NSMO và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:
Thứ nhất, trong giai đoạn chuyển tiếp: Trước mắt yêu cầu NSMO khẩn trương phối hợp chặt chẽ với EVN hoàn thành dự thảo Quy chế chế phối hợp hoạt động, vận hành giữa 2 bên theo mô hình mới; trình Bộ Công Thương và UBQLV Nhà nước tại Doanh nghiệp trước ngày 15/8/2024 để xem xét phê duyệt, đưa vào thực thi nhằm bảo đảm việc vận hành, cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, tin cậy, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.
Đối với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quyết định sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cần thiết để phục vụ cho quá trình hoạt động của NSMO, bảo đảm NSMO hoạt động ổn định, liên tục, hiệu quả với tinh thần chung là mọi hoạt động và các chế độ chính sách, phương tiện, điều kiện bảo đảm trong giai đoạn đầu có thể chưa hơn, nhưng không thể kém hơn so với thời điểm A0 còn trực thuộc EVN. Cụ thể:
Cục Điều tiết điện lực: Đầu mối giám sát trực tiếp và toàn diện hoạt động của NSMO, không để xảy ra rủi ro, sự cố do các yếu tố chủ quan trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia; Tham mưu thành lập Tổ công tác của Bộ Công Thương liên quan đến công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; Phê duyệt giá điều độ hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện năm 2024 theo nguyên tắc bảo đảm để NSMO có lợi nhuận hợp lý và thu hồi chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Vụ Kế hoạch - Tài chính: Đầu mối tham mưu, theo dõi việc triển khai cơ chế bổ sung vốn điều lệ và cơ chế bảo đảm vốn lưu động cho NSMO theo quy định của Nhà nước; (ii) Chủ động phối hợp vơs EVN bàn giao tài sản cho các bên; hphoois hợp với các địa phương liên quan bố trí quỹ đất cho xây dựng trụ sở làm việc của NSMO và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện ở các vùng miền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Tổ chức cán bộ: Khẩn trương xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Điều lệ hoạt động tổ chức và hoạt động của NSMO; Tham mưu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Bộ Công Thương phù hợp với việc NSMO được chuyển giao về Bộ Công Thương; Tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự làm việc theo phân cấp; xây dựng các quy chế nội bộ, quy trình phối hợp nội bộ giữa các đơn vị có liên quan của Bộ với NSMO.
Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực: Chủ động phối hợp, hướng dẫn EVN rà soát lại các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong các cam kết quốc tế, trong các cam kết hợp đồng BOT và hợp đồng mua bán điện đối với các Nhà máy điện BOT để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có giải pháp phù hợp, không để phát sinh các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp pháp lý (nhất là các vấn đề liên quan đến Chính phủ)… Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu các văn bản pháp lý khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của NSMO, bảo đảm đồng bộ, khả thi, tạo điều kiện cho NSMO hoạt động ổn định, liên tục, hiệu quả sau khi được thành lập.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các đơn vị chức năng của Ủy ban tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương đôn đốc, chỉ đạo EVN trong việc bàn giao, tiếp tục hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện cần thiết để NSMO hoạt động bình thường, ổn định cho đến khi có đầy đủ các điều kiện, cơ chế pháp lý và các quy định hướng dẫn cụ thể để NSMO thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định tại Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là về hạ tầng phục vụ công tác điều độ, vận hành bảo đảm cung ứng điện ngay cho giai đoạn 2025-2026 khi đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được đưa vào vận hành trong tháng 9/2024 với yêu cầu tăng cao hơn công suất truyền tải, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống.
Đề nghị EVN tiếp tục hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án đang triển khai trước khi bàn giao chuyển về NSMO theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với NSMO trong công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm ổn định, hiệu quả.
Thứ hai, trong dài hạn: Đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về các nội dung liên quan đến điều kiện, cơ chế hoạt động của EVN và NSMO, cũng như những vấn đề liên quan khác để cập nhật, bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Luật Điện lực, trình Quốc hội ban hành vào Kỳ họp cuối năm 2024.
Công ty TNHH Một thành viên NSMO - sau khi có đầy đủ các điều kiện, cơ chế pháp lý cho hoạt động sản xuất, Công ty cần chủ động tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động và các giải pháp cụ thể, khả thi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có), bảo đảm công tác vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, tin cậy và vận hành thị trường điện công bằng, công tâm, minh bạch, góp phần cùng với EVN và các đơn vị có liên quan bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống dân sinh.
Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Quyết định số 752 và số 753 ngày 01/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các nội dung về bổ sung vốn điều lệ, đàu tư cơ sở vật chất, cơ chế bảo đảm vốn lưu động cho NSMO trong quá trình hoạt động và các vấn đề về tiền lượng, chế độ chính sách đối với người lao động của Công ty; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong chỉ đạo, quản lý hoạt động của NSMO bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.