Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn
Bộ Công thương vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn sau khi 46/63 tỉnh, thành phố đồng loạt phản ánh gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, trong đó có tỉnh Lâm Đồng.

Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có khoảng 50% diện tích nằm trong Quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866
Những mâu thuẫn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác theo Bộ Công thương đã khiến nhiều dự án, công trình triển khai gặp khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Bộ Công thương, các địa phương đã triển khai phổ biến nội dung Quy hoạch khoáng sản (phê duyệt theo Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023) tới doanh nghiệp và sở ngành. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, nhiều tỉnh, thành phát hiện chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch cấp cao hơn như quy hoạch sử dụng đất, lâm nghiệp, mạng lưới giao thông quốc gia. Điều này đã làm thay đổi một số mục tiêu, nội dung của Quy hoạch khoáng sản, vì vậy cần thiết phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch để tránh các vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tại các quy hoạch nêu trên, diện tích đất tự nhiên của các địa phương được quy hoạch, phân bổ chỉ tiêu sử dụng theo các nhóm đất căn cứ vào mục đích sử dụng, bao gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng...; trong đó, đất dành cho hoạt động khoáng sản thuộc nhóm đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, chưa phù hợp với Quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác dẫn đến tổng diện tích đất dành cho hoạt động khoáng sản chưa khớp với tổng diện tích đất được phân bổ theo mục đích sử dụng tại một số địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong khu vực Quy hoạch khoáng sản.
Nguyên nhân chính, theo Bộ Công thương, là sự mâu thuẫn giữa Quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch cấp quốc gia như quy hoạch sử dụng đất, lâm nghiệp, năng lượng... Do tổng chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội và Chính phủ phân bổ cụ thể, nên khi Quy hoạch khoáng sản lấn sang các loại đất khác, địa phương không thể triển khai dự án theo đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý mới như Luật số 57/2024/QH15 và Luật Địa chất và Khoáng sản 54/2024/QH15 cũng đã thay đổi nội hàm của Quy hoạch khoáng sản. Theo đó, khoáng sản than sẽ được chuyển từ quy hoạch năng lượng sang quy hoạch khoáng sản nhóm I; nước khoáng thiên nhiên, nước nóng sẽ được loại khỏi quy hoạch khoáng sản nhóm I và bàn giao cho địa phương quản lý.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 54a Luật Quy hoạch năm 2017, bổ sung bởi Luật 57/2024/QH15, nhằm tiết kiệm thời gian và phù hợp với tính chất kỹ thuật của quy hoạch ngành quốc gia.
Tại Lâm Đồng, hai dự án thành phần đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới vùng quy hoạch khoáng sản bôxít. Thống kê cả tỉnh có gần 70.200 ha đất nằm trong quy hoạch khoáng sản đã khiến nhiều công trình như khu tái định cư, nhà máy cấp nước, hạ tầng giao thông... bị đình trệ hoặc kéo dài thời gian nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xin thủ tục các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Riêng huyện Bảo Lâm, hơn 51.000 ha đất, chiếm hơn nửa diện tích toàn huyện bị đưa vào vùng quy hoạch khoáng sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phương án Bộ Công thương đề xuất trong ngắn hạn, UBND các tỉnh cần chủ động rà soát, cập nhật ranh giới, tọa độ các diện tích không chứa thân quặng nằm trong khu vực khoáng sản được huy động tại Quyết định 866 trên địa bàn, trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét chấp thuận cũng như báo cáo và kiến nghị Bộ Công thương xem xét, loại bỏ các khu vực này ra khỏi Quy hoạch khoáng sản và điều chỉnh các nội dung liên quan tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.
Theo Bộ Công thương, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản được đề xuất trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc pháp lý sau: Không làm thay đổi định hướng lớn đã được phê duyệt; không can thiệp sâu vào nội dung dự án cụ thể, chỉ định hướng khu vực khoáng sản chung; loại bỏ các khu vực không chứa thân quặng, trả lại quyền điều chỉnh sử dụng đất cho địa phương; cập nhật các thay đổi về phân loại khoáng sản và căn cứ pháp lý theo luật mới; tăng tính linh hoạt cho các địa phương, bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp cao và cùng cấp...