Khai quật khảo cổ tại Lạc Câu sẽ mở ra nhiều kỳ vọng

Từ ngày 9-31.5, Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam sẽ tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ tại địa điểm Lạc Câu, thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam).

Thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, nơi có địa điểm khai quật Lạc Câu nhìn từ trên cao

Thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, nơi có địa điểm khai quật Lạc Câu nhìn từ trên cao

Trước đó, ngày 6.5, Bộ VHTTDL đã có quyết định số 1264/QĐ- BVHTTDL cho phép Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam thăm dò, khai quật khảo cổ tại địa điểm Lạc Câu.

Việc thăm dò, khai quật diễn ra trên diện tích 80m2, trong đó diện tích thăm dò 20m2 (gồm 5 hố x 04m2/1 hố, từ hố TD1 đến hố TD5); diện tích khai quật 60m2 (gồm 3 hố x 20m2/1 hố, từ hố H1 đến hố H3).

Thông tin từ Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam cho biết, địa điểm khảo cổ Lạc Câu được đặt cho tên gọi của địa điểm phát hiện ra mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh tại thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vào năm 2021.

Đây là vùng đất ven bờ sông Trường Giang thuộc vùng cửa sông ven biển nơi sông Trường Giang và Thu Bồn hòa vào nhau chảy ra biển Cửa Đại.

Khu đất dự kiến thăm dò, khai quật thuộc đất vườn thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, cách bờ sông Trường Giang 200m về hướng Nam, cách chợ Lạc Câu 3 km về hướng Tây Bắc.

Năm 2021, trong quá trình canh tác, người dân địa phương đã phát hiện một mộ chum trên mảnh đất vườn. Sau khi nhận được báo cáo từ người dân, Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành xử lý di vật khảo cổ này.

Tại đây đã phát hiện một chum có hình thức mai táng và cách thức sắp đặt các đồ tùy táng tương tự như các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh khác. Loại chum hình trụ với nắp hình nón cụt, miệng chum có các cặp lỗ đối xứng phổ biến trong giai đoạn phát triển của văn hóa Sa Huỳnh.

Chum được đặt trực tiếp trên nền đất cát, đồ gốm tùy táng đặt bên ngoài và trong lòng chum. Các đồ tùy táng bằng sắt, đồng, đồ trang sức đặt trong lòng và sát đáy chum.

Được biết, quyết định của Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất năm, gửi về Bộ VHTTDL.

Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

KHÁNH CHI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/khai-quat-khao-co-tai-lac-cau-se-mo-ra-nhieu-ky-vong-134099.html