Dệt may kiến nghị nhiều giải pháp trước loạt khó khăn về thuế đối ứng của Mỹ

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường FTA, cùng với các nhãn hàng, nhà mua hàng chia sẻ khó khăn, giải quyết các đơn hàng đang trên đường, đơn hàng đã ký đang sản xuất.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc với các hiệp hội, doanh nghiệp... bàn các giải pháp về thuế quan với Mỹ, chiều 4/4.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc với các hiệp hội, doanh nghiệp... bàn các giải pháp về thuế quan với Mỹ, chiều 4/4.

Chiều 4/4, ông Trương Văn Cẩm, phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cùng đại diện một số doanh nghiệp dệt may khu vực phía Bắc đã tham dự buổi họp khẩn do Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì bàn về các giải pháp xử lý vấn đề sau thông tin về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa Việt Nam.

Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đề xuất nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả trước mắt và lâu dài để Chính phủ Việt Nam tiến hành đàm phán với Chính phủ Mỹ.

Ngành dệt may trong năm ngoái xuất khẩu 44 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu từ Mỹ 1,2 tỷ USD, chiếm 4,8%, trong đó nhập khẩu bông 681 triệu USD, nhập vải 46 triệu USD và nguyên phụ liệu 469 triệu USD.

Nói về mức thuế đối ứng 46% mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Việt từ ngày 9/4, đại diện Vitas cho rằng, rất cao và rất bất ngời. Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu thuế cao nhất.

Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng nhập từ Việt Nam.

Tổng Bí thư cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Với mức thuế này, cộng đồng doanh nghiệp dệt may rất lo lắng và có tâm lý bất an do biên lợi nhuận của ngành rất mỏng, hiện tại đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may khác.

Đặc biệt khó khăn hơn khi mức thuế áp cho Việt Nam (46%) cao hơn nhiều so các nước cùng cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ.

Cụ thể: Trung Quốc 34% (tỷ trọng nhập khẩu dệt may của Mỹ 24,62%); India 26% (tỷ trong 8,87%); Bangladesh 37% (tỷ trọng 6,73%): Indonesia 32% (tỷ trọng 4,39%); Mexico 25% (tỷ trọng 3,85%); Campodia 49% (tỷ trọng 4,23%); Pakistan 29% (tỷ trọng 3,65%); Honduras 10% (tỷ trọng 2,24%; Tuykey 10% (tỷ trọng 2,35%).

Vitas cho rằng, lĩnh vực dệt may Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh với Mỹ, mà có xu hướng lấn dần tỷ trọng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc.

Năm 2019, Trung quốc chiếm tỷ trọng 32,8% của thị trường Mỹ, năm 2024 chỉ còn 24,62%, trong khi Việt Nam từ 12,98% năm 2019 tăng lên 15,07%.

“Xuất khẩu dệt may sang Mỹ, Việt Nam vừa tạo việc làm cho người lao động vừa mang lại lợi ich cho người tiêu dùng Mỹ. Mức thuế cao sẽ anh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải và nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ các FTA”, ông Cẩm cho biết.

Về giải pháp đối với doanh nghiệp khi buộc phải áp thuế mới công bố của Mỹ, Vitas đề xuất, phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, cùng với các nhãn hàng, nhà mua hàng chia sẻ khó khăn giải quyết các đơn hàng đang trên đường, đơn hàng đã ký đang sản xuất.

Vitas kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế quá cao 46% và chi tiết hóa cho từng mặt hàng, nhóm hàng…, đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm dần thâm hụt thương mại Mỹ.

Việt Nam cũng cần đẩy nhanh đàm phán nhanh 1 số FTA để khai thác thị trường rất tiềm năng tiềm năng như Canada. Bởi, khi có FTA với Canada nhằm giảm quy định xuất xứ 3 công đoạn trong CPTPP đưa về 2 công đoạn mà Việt Nam và Canada cùng quan tâm.

Theo Cục Hải quan, năm 2024 dệt may Việt Nam xuất khẩu 1,23 tỷ USD hàng dệt may sang Canada, bằng 147% so với năm 2019.

Trước khó khăn về thuế quan, ngành dệt may kiến nghị Chính phủ ban hành mới và duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí như: tiếp tục giảm thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệ, giảm tỷ lệ các khoản đóng góp như kinh phí công đoàn 2%, BHXH + Giảm phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển…

Nêu kiến nghị với Cơ quan đại diện Mỹ tại Việt Nam, Vitas mong cơ quan này chuyển tải thông điệp: đề nghị dừng áp dụng từ 2 – 3 tháng để có cơ hội cho Việt Nam đàm phán và đưa ra các giải pháp giảm bớt thâm hụt thương mai với Mỹ.

Mới nhất, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam(AmCham) đã kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét việc việc gia hạn thời gian thực hiện mức thuế đối ứng 46% mà Tổng thống Donal Trump đã tuyên bố áp với Việt Nam.

"Gia hạn thêm thời gian thực hiện sẽ cho phép các doanh nghiệp của cả Việt Nam và Mỹ thích ứng với các quy định mới, giảm thiểu sự gián đoạn không cần thiết và cả các thiệt hại tài chính", ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham nói.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/det-may-kien-nghi-nhieu-giai-phap-truoc-loat-kho-khan-ve-thue-doi-ung-cua-my-d262600.html