Bộ Công Thương hỗ trợ Bắc Giang ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa triển khai hoạt động hỗ trợ tỉnh Bắc Giang ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất... trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho từng doanh nghiệp tại Bắc Giang.
Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu
Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay là một trong những mục tiêu quan trọng để góp phần tăng hiệu quả chu trình kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời gian vừa qua, dưới áp lực của đại dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế truyền thống đã có sự đình trệ đáng kể. Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo ra xu hướng tiêu dùng trực tuyến, là cơ hội mới cho thương mại điện tử phát triển.
Các kênh mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn như: Sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo … các website thương mại điện tử như thegioididong.com, pico.vn, dienmayxanh.vn … và lượng người sử dụng cũng như mua sắm thông qua mạng xã hội ngày càng phổ biến.
Bà Nguyễn Thảo Phương, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, hiện nay ở Bắc Giang, việc ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh ngày càng sôi động và chuyên nghiệp. Xác định được việc thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã ý thức và có nhu cầu khai thác, ứng dụng thương mại điện tử phục vụ mục đích quảng bá, mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng.
“Việc tổ chức những chương trình hướng dẫn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là nội dung vô cùng ý nghĩa. Nhất là phổ biến các thông tin liên quan đến tổng quan về thương mại điện tử Bắc Giang; xu hướng thương mại điện tử trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0; các chương trình lớn của Bộ Công Thương như: Chương trình Ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online, chương trình Kết nối thương mại điện tử liên kết vùng, chương trình Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh…” - bà Phương cho hay.
Giải pháp công nghệ hiện đại thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Theo ông Võ Xuân Nam, phụ trách đào tạo - Trung tâm phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), năm 2023 được dự đoán là năm lạc quan và sẽ có nhiều biến động mới dành cho thị trường thương mại điện tử toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh sôi động trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là nét nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý I/2023. Trong đó, bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử.
Nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh Bắc Giang thêm giải pháp, công cụ hỗ trợ các hoạt động: Xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực kết nối khách hàng và các hoạt động tương tác hai chiều; nâng cao kỹ năng marketing trên môi trường số và cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng tiềm năng, ông Nam đã giới thiệu cho doanh nghiệp về các giải pháp giúp xây dựng gian hàng thực tế ảo đầy đủ và chuyên nghiệp; hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp ECVN.com; Cổng thông tin thị trường nước ngoài vietnamexport.com; Hệ thống Quản lý và Cấp chứng nhận xuất xứ điện tử ecosys.gov.vn...
Ông Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh Bắc Giang cập nhật được xu hướng mới của thị trường, áp dụng được các công nghệ hiện đại, nắm được dữ liệu một cách hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn sẽ giữ chân được các khách hàng và thúc đẩy thành công của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử như hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách phát triển thị trường, Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang xây dựng và sẽ triển khai Chương trình Kết nối thương mại điện tử liên kết vùng phát triển gian hàng Việt trực tuyến. Chương trình này được triển khai theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nhằm kết nối các nhà sản xuất nông sản, sản phẩm địa phương với các thị trường tiêu thụ, mạng lưới khách hàng, người tiêu dùng liên kết các vùng kinh tế trên cả nước.
Việc xây dựng mạng lưới liên kết vùng qua thương mại điện tử sẽ giúp nhà sản xuất ở các địa phương có khả năng tiếp cận thị trường một cách hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Nhờ vào mạng lưới đối tác, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương có thể được quảng bá và tiếp cận đến một lượng lớn người tiêu dùng thông qua các kênh trực tuyến.
Bên cạnh đó, Chương trình còn tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản, sản xuất hàng công nghiệp địa phương. Bằng cách xây dựng mô hình hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên,… Các vùng này có thể tạo ra sức mạnh tập trung và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường. Hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản cũng giúp tối ưu hóa tài nguyên, cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử tại các doanh nghiệp. Sự tương tác cởi mở này đã tạo nên sự kết nối đầy ý nghĩa của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân để cùng nhau tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong hoạt động thực tiễn.