Bộ Công thương họp khẩn với doanh nghiệp xăng dầu: Những vấn đề cần mổ xẻ

Sáng nay 12/10, Bộ Công thương họp bàn với doanh nghiệp về vấn đề xăng dầu, trước tình trạng thị trường này có những dấu hiệu bất ổn.

Trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… với diễn biến này ngày càng lan rộng.

Hiện có đến hàng trăm cây xăng bị gián đoạn về nguồn cung khiến đời sống của một bộ phần người dân bị đảo lộn. Giới chuyên gia nhấn mạnh, đây là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử, khi người dân phải vật vạ tìm mua xăng khắp nơi.

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, đã có hàng trăm cửa hàng xăng dầu gián đoạn nguồn cung ở phía Nam

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, đã có hàng trăm cửa hàng xăng dầu gián đoạn nguồn cung ở phía Nam

Thống nhất vấn đề chiết khấu

Vậy, vấn đề cần bàn là làm gì để lập lại trật tự thị trường xăng dầu? Theo một doanh nghiệp xăng dầu đã bị đóng cửa 5/6 cửa hàng, việc cần bàn nhất bây giờ là làm sao để thống nhất vấn đề chiết khấu giữa nhà cung cấp với các cửa hàng bán lẻ.

Vị này nêu thực tế, từ đầu năm đến nay chưa bao giờ doanh nghiệp bán lẻ lại được chiết khấu cao, cao nhất là khoảng 600 đồng/lít.

Có thời điểm thông báo chiết khấu lên 1.200 đồng/lít nhưng dự đoán khả năng sắp đến kỳ điều chỉnh tới sẽ giảm 800-900 đồng/lít nên đại lý cũng không dám nhập hàng, ngoại trừ sắp hết hàng bán. Tuy nhiên, khi nhập xong là lỗ nên cũng chẳng có hiệu quả với chiết khấu như vậy.

Chủ doanh nghiệp này trăn trở: “Một số người, trong đó có cả cán bộ của Vụ thị trường trong nước nói các doanh nghiệp là đại lý trước đây kinh doanh có lời thì bây giờ lỗ là chuyện bình thường…

Chúng tôi cho rằng đây là những câu nói có quan điểm chưa chuẩn về mặt kinh tế, vì kinh doanh là phải có hiệu quả kinh tế và bảo toàn được vốn. Nếu như kinh doanh mà lợi nhuận bằng không (0 đồng) thì dừng kinh doanh ngay lập tức”.

Cũng theo vị này, nếu kinh doanh sai lầm mà dẫn đến thua lỗ thì còn chấp nhận, chứ đằng này, doanh nghiệp bán lẻ buộc phải bán hàng dưới giá mua. “Giá bán buôn bằng giá bán lẻ sao người ta không kêu, còn chưa tính tiền vận chuyển 200 đồng/lít nữa, đóng cửa thì bị chính quản lý thị trường phạt”, ông này nói.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cũng lên tiếng nói hộ "tiếng lòng" cho 13.000 DN nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hoạt động (trong tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu cả nước).

VINASME kiến nghị: Tách riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần mổ xẻ công tác điều hành

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh việc giải quyết vấn đề về chiết khấu thì cần bàn nhiều về vấn đề điều hành. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, để xảy ra những xáo trộn trên thị trường xăng dầu thời gian qua có nguyên nhân căn bản của việc cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành và là bài học cần được rút ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ rằng ở đây có nhiều bài học cần phải rút kinh nghiệm, tức là phải có phản ứng kịp thời, nhưng đồng thời cũng phải đối thoại với các doanh nghiệp, tính toán đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp, và tạo động lực lành mạnh và cần thiết cho các doanh nghiệp. Tôi rất mong là Bộ Công thương và các doanh nghiệp sẽ đối thoại với nhau và tìm ra giải pháp để giải tỏa căn bản tình trạng ách tắc hiện nay....", TS. Lê Đăng Doanh nói.

Đó cũng là quan điểm của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng. Ông cho rằng, cùng với cơ cấu giá, phải là cơ chế và thể chế.

"Về quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công thương đang có vấn đề - khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng chúng ta chưa theo kịp.

Vị chuyên gia phân tích, trước hết là về cơ chế, thì rõ ràng là cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập (tương đối) và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao. Vì thế việc “ép giá” đã xảy ra.

Điều thứ hai, chúng ta thấy do việc không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương. Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất. Thêm nữa, khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng…

Một điểm nữa mà các chuyên gia muốn Bộ Công thương làm rõ là việc giảm nhập khẩu trong quý III tới 40% với xăng và 30% với dầu. Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng nêu rõ, có tới 14 doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu, trong đó những doanh nghiệp đầu mối lớn không nhập khẩu cả quý III.

Vậy, vấn đề đặt ra là việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch của những doanh nghiệp này được Bộ Công thương giám sát ra sao, trong bối cảnh nguồn cung trong nước thể hiện những bất thường...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-cong-thuong-hop-khan-voi-doanh-nghiep-xang-dau-nhung-van-de-can-mo-xe-d569127.html