Bộ Công Thương: Không cấm điện mặt trời mái nhà ở khu công nghiệp mà chỉ chưa ưu tiên
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác.
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công Thương nêu quan điểm, tại Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch điện VIII có đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600 MW.
Với quy mô này, Bộ Công Thương nhấn mạnh không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030) được đặt ra. Đây là chưa kể, điện mặt trời trên mái nhà của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu đã có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trước đó.
Trong khi đó, nhiều bộ ngành kiến nghị có cơ chế ưu đãi để mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhà xưởng, khu công nghiệp..., nhưng Bộ Công Thương nói không và chính sách khuyến khích mới dừng ở hộ gia đình, công sở. Trong khi thực tế, không chỉ giải quyết vấn đề cung ứng điện mà lắp đặt điện mặt trời mái nhà là yêu cầu cấp thiết với nhiều doanh nghiệp trước bài toán đáp ứng tiêu chuẩn "xanh hóa" cho sản xuất.
Lý giải vì sao không có chính sách ưu đãi điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Văn bản số 4286/VPCP ngày 10/6/2023 của Văn phòng Chính phủ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 12/6/2023 và Văn bản 4552/VPCP-CN ngày 20/6/2023 của Văn phòng Chính phủ), yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho các đối tượng áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở. Đồng thời, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản tự tiêu, tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
“Đối với các đối tượng khác như điện mặt trời trên mái trụ sở doanh nghiệp, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng vừa nêu”, vị đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết, việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn. Trừ những hệ thống điện mặt trời độc lập (mini grid), có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.
Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết).
Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Đó là chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…
Trước câu hỏi các dự án điện mặt trời mái nhà các công trình như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn… không phát điện lên lưới, không gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không mua lại thì tại sao lại cấm cản? Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay quan điểm này có cả sai và đúng.
Cụ thể, sai là Nhà nước không cấm nhưng cần phải kiểm soát để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia. Do điện mặt trời mái nhà nếu có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ) thì sẽ gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia vì khi ban ngày có nắng thì nguồn điện mặt trời được sản xuất ra sẽ cấp cho phụ tải. Nhưng khi không có nắng thì lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện cho nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên sự ảnh hưởng lớn nhất ở đây là hoạt động của điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, nắng mây mưa thất thường, dẫn đến sự tăng giảm việc tiêu thụ điện cũng thất thường, sự thất thường này làm cho hệ thống điện khó điều độ, khó bảo đảm vận hành an toàn và có thể gây sự cố lưới điện.
“Trong trường hợp này, Nhà nước không cấm và cũng không cần phải kiểm soát”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định.